"Tôi thấy nhiều người trong chúng ta làm việc như thể mọi thứ vẫn bình thường. Điều đó làm tôi khó chịu. Các ông không cảm thấy gì à? Đây là một cuộc khủng hoảng", ông Widodo nói trong một cuộc họp nội các hôm 18/6. Video ghi lại tuyên bố trên của ông được văn phòng Tổng thống Indonesia công bố hôm qua.
"Tôi sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp bất thường nào, vì 267 triệu dân, vì quốc gia này. Tôi đã nghĩ đến mọi thứ, đó có thể là giải tán các ban bệ, thậm chí tái cơ cấu luôn", Tổng thống Widodo nói, thêm rằng ông cũng có thể ban hành bổ sung các biện pháp khẩn cấp nếu cần.
Tổng thống cũng khiển trách các bộ trưởng dưới quyền về phản ứng chậm chạp trước bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm trong đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 2, trong lúc thế giới e ngại về sự lây lan nhanh chóng Covid-19, Indonesia khẳng định nguy cơ dịch bệnh tấn công nước này là rất thấp. Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Putrano còn tuyên bố nhờ cầu nguyện mà nước này không bị nCoV tấn công.
Tuy nhiên, kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hồi đầu tháng 3, Indonesia đã trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, với các ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng trong bối cảnh Jakarta nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại trong tháng này.
Indonesia hiện ghi nhận hơn 54.000 ca nhiễm và hơn 2.700 ca tử vong do Covid-19. Các trường học tiếp tục đóng cửa cho đến 13/7, nhà hàng, quán bar dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
Chính quyền Widodo trước đó cam kết chi gần 50 tỷ USD cho y tế công cộng, bảo trợ xã hội, trợ cấp cho người dân giữa đại dịch Covid-19. Các quan chức chính phủ dự báo nền kinh tế nước này cũng có thể rơi vào suy thoái năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, khiến hàng triệu người đối mặt với đói nghèo.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 10 triệu người nhiễm, hơn 504.000 người chết.
Mai Lâm (Theo Reuters)