"Tôi luôn tránh phơi nắng vì không muốn da đen sạm", Theresia Rikke Astria, một phụ nữ 27 tuổi ở Yogyakarta, Indonesia, nói. "Nhưng giờ tôi hy vọng tắm nắng sẽ tăng cường hệ miễn dịch của mình".
Niềm tin này xuất phát từ những bài đăng vô căn cứ trên mạng xã hội rằng ánh nắng Mặt trời và vitamin D mà nó cung cấp có thể làm chậm hoặc tiêu diệt nCoV. Nó càng được củng cố khi một quan chức cấp cao Mỹ tuần trước tuyên bố nghiên cứu mới cho thấy ánh nắng Mặt trời tiêu diệt nCoV nhanh chóng.
Nghiên cứu này chưa được kiểm chứng độc lập, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hào hứng với nó trong một buổi họp báo, thậm chí còn muốn các nhà khoa học tìm cách "đưa ánh sáng vào cơ thể" bệnh nhân để diệt nCoV.
Vitamin D có trong cá, trứng, sữa và ánh nắng, rất quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, theo bác sĩ Dirga Sakti Rambe tại bệnh viện Omni Pulomas ở Jakarta. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "tắm nắng không giúp tiêu diệt nCoV".
"Để cơ thể phơi nắng trực tiếp có lợi cho hấp thu vitamin D chứ không ngăn ngừa được Covid-19", bác sĩ nói.
Covid-19 buộc những người ưa làm đẹp như Rio Zikrizal thay đổi, dù anh phải đắn đo khi quyết định cởi trần tắm nắng.
"Bình thường tôi không muốn tắm nắng", Zikrizal, một người dân Jakarta, nói. "Làn da châu Á của tôi rất dễ bắt nắng, vì vậy tôi thường sử dụng các sản phẩm làm sáng da".
Nabillah Ayu, sống ở vùng ngoại ô thủ đô Jakarta, bắt đầu thói quen mới là tắm nắng lúc 10h, với hy vọng tránh được Covid-19. Trước đây, cô thường ở trong văn phòng lúc Mặt trời lên cao.
"Ánh nắng không trực tiếp tiêu diệt nCoV, nhưng nó tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn không nhiễm virus", cô gái 22 tuổi nói.
Một số đơn vị quân đội và cảnh sát Indonesia đã đưa phơi nắng vào chương trình huấn luyện buổi sáng. Tại một số thành phố lớn, người dân đổ từ những con hẻm chật chội, tối tăm tới những khu vực thông thoáng, thậm chí ngồi dọc đường ray xe lửa, để tắm nắng.
Trên đường ray tàu hỏa ở Tangerang, rìa thành phố Jakarta, nhiều phụ nữ mặc áo trùm đầu xắn tay áo và gấu quần lên tắm nắng, trong khi nam giới cởi trần để đắm mình trong ánh Mặt trời. Tất cả đều nhốn nháo di chuyển mỗi khi tàu chạy qua.
"Tôi bắt đầu tắm nắng thường xuyên từ khi dịch bùng phát", Alfian, người tắm nắng gần đường ray, nói. "Sau đó tôi về nhà tắm rửa và thấy khỏe hơn".
Wadianto Wadito, một người đã về hưu và mắc bệnh tim, tiểu đường, cho hay ông làm mọi cách để bản thân khỏe hơn. "Tôi đang dùng rất nhiều loại thuốc, vì vậy tôi tắm nắng để tổng hợp vitamin mà không cần uống thêm thuốc", người đàn ông 65 tuổi nói.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực, với tâm dịch ở thủ đô Jakarta và khu vực xung quanh. Nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca nhiễm nCoV, với 773 ca tử vong, trong đó riêng Jakarta hơn 4.000 ca nhiễm và 370 người chết.
Hồng Hạnh (Theo AFP)