![Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm khu bị động đất ở Palu ngày 3/10. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/04/068-AA-03102018-825246-4416-1538628617.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-kyGZwsRxFlGeR4y5XjFHQ)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm khu bị động đất ở Palu ngày 3/10. Ảnh: AFP.
Joko Widodo, tổng thống đầu tiên của Indonesia đến từ tầng lớp bình dân, sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 17/4 năm sau.
Widodo đã nhanh chóng đến thăm Palu, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề trong động đất và sóng thần ngày 29/8, cách Jakarta 1.500 km về phía đông bắc, chưa đầy hai ngày sau trận động đất. Ông lại đến thăm vào ngày 3/10, nhấn mạnh sự cấp bách của nỗ lực cứu hộ, khi nhiều người dân thất vọng về việc thiếu thực phẩm, nhiên liệu và thiết bị. Hơn 1.400 người đã thiệt mạng trong thảm họa kép.
"Bất kỳ thất bại nào trong việc xử lý cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín lâu dài", Keith Loveard, nhà phân tích cao cấp của công ty tư vấn Concord Consulting, nói.
Chính phủ đã hứng chịu chỉ trích vì không duy trì hệ thống cảnh báo sóng thần đã được thiết lập sau trận động đất và sóng thần năm 2004 khiến 226.000 người ở 13 quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.
Hệ thống này đã không hoạt động kể từ năm 2012. Widodo, người lên nắm quyền vào năm 2014, ngày 2/10 nói rằng hệ thống phải được sửa chữa và bảo dưỡng đúng cách.
Các chính trị gia đối lập có nhiều cơ hội chỉ trích khi nhiều người sống sót đang than rằng các nỗ lực cứu trợ quá chậm chạp.
Bộ trưởng Nội vụ Tjahjo Kumolo tuyên bố những người sống sót có thể lấy nhu yếu phẩm từ các cửa hàng và chính phủ sau đó sẽ đền bù cho những cửa hàng này. Động thái bị chỉ trích là dung túng cho nạn hôi của và bật đèn xanh cho tình trạng vô luật pháp.
"Trong tình huống khẩn cấp phức tạp, điều cần thiết là sự lãnh đạo và trật tự, luật pháp. Ở giai đoạn này, chính phủ rất yếu kém", Fadli Zon, từ đảng đối lập Gerindra, viết trên Twitter. Đối thủ đáng gờm của Widodo vào năm tới là Prabowo Subianto, lãnh đạo đảng Gerindra.
Widodo đã chiến thắng suýt soát trước Subianto trong cuộc bầu cử năm 2014. Giờ đây, Subianto sẽ tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để công kích Widodo.
"Nếu Widodo thực hiện thật tốt nỗ lực cứu trợ khẩn cấp, ông ấy sẽ không để cho Prabowo có mục tiêu để tấn công", Achmad Sukarsono, chuyên gia của Control Risks nói. "Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi không thấy điều đó. Vì vậy, Tổng thống dễ bị công kích".
Đất hóa lỏng xóa sổ ngôi làng ở Indonesia. Video: NYTimes.
Widodo cũng ở trong thế khó xử vì sự nhạy cảm của vấn đề nhận viện trợ nước ngoài. Indonesia là đất nước luôn tự hào về lịch sử kháng cự sự cai trị của thực dân và chính phủ thường không thích xin sự trợ giúp từ nước ngoài.
Widodo có nguy cơ làm những người theo chủ nghĩa dân tộc tức giận vì bị coi là quá sẵn sàng nhận giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu ông do dự nhận viện trợ có thể cứu mạng nhiều người thì ông có thể làm nhiều dân thường thất vọng.
Chính phủ Indonesia đã từ chối nhận trợ giúp bên ngoài khi động đất xảy ra trên đảo Lombok hồi tháng 8. Nhưng ngày 1/10, họ tuyên bố sẽ chấp nhận viện trợ nước ngoài cho Sulawesi.
Do tình trạng khẩn cấp ở Sulawesi, ngay cả những người thường chỉ trích chính phủ cũng đồng ý rằng sự giúp đỡ bên ngoài là cần thiết, mặc dù Sodik Mudjahid, một thành viên cấp cao của Gerindra cảnh báo rằng: "Chúng ta không nên cam kết bất cứ điều gì sẽ làm tổn hại đến chủ quyền".
Càng làm phức tạp cho công việc của chính phủ là lịch sử đổ máu lâu dài ở Sulawesi giữa người Hồi giáo - cộng đồng chiếm đa số ở Indonesia và Kitô giáo.
Khoảng 2.000 người thiệt mạng trong ba năm xung đột ở khu vực trước khi hiệp định hòa bình có hiệu lực vào năm 2001. Palu bị đánh bom năm 2005, được cho là một phần của chiến dịch nhằm đốt cháy căng thẳng.
Về lâu dài, sự tức giận của những người cảm thấy bị bỏ rơi hay thiếu viện trợ có thể bị thao túng.
"Họ có một cộng đồng bị chia rẽ", Loveard nói.