Việc bà Park bị luận tội có thể giúp hàn gắn những tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh sau khi Seoul chấp thuận cho Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), theo SCMP.
Một số nhà phân tích cho rằng sự phản đối của các đảng đối lập tại Hàn Quốc đối với THAAD, vốn có thể cản trở hay thậm chí trì hoãn việc triển khai THAAD, đang được Bắc Kinh xem như tín hiệu tích cực.
8 nghị sĩ của đảng đối lập Dân chủ Hàn Quốc (DPK) tuần trước đã đến Bắc Kinh để gặp ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị cùng một số lãnh đạo hàng đầu khác để phát đi thông điệp rằng họ tin việc triển khai THAAD nên để người kế nhiệm bà Park quyết định.
Chuyến thăm trên diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo tái khẳng định sẽ triển khai THAAD, làm dấy lên đồn đoán rằng có thể kế hoạch này chưa hoàn toàn chắc chắn. Moon Jae-in, đảng viên DPK, ứng viên được yêu thích cho cuộc bầu cử tổng thống Hàn năm nay, đã đề nghị xem xét lại việc triển khai.
Bắc Kinh lo ngại rằng dù không thể đánh chặn tên lửa Trung Quốc, hệ thống radar rất mạnh của THAAD có thể cho phép Mỹ theo dõi các vụ phóng tên lửa ở khu vực bờ biển phía bắc và đông nước này.
Mỹ từng khẳng định hệ thống radar được triển khai tới Hàn Quốc có tầm phát hiện lên tới 600 km, đủ xa để theo dõi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhưng không thể vươn tới Trung Quốc. Thế nhưng các radar lại có thể được hiệu chỉnh để mở rộng tầm hoạt động lên 2000 km, đủ khả năng do thám các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Ông Zhang Tuosheng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế học Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh lo ngại thỏa thuận triển khai THAAD là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm hình thành mạng lưới phòng thủ tên lửa khu vực để bao vây Trung Quốc.
Seoul thì một mực khẳng định THAAD không nhắm tới Bắc Kinh, mà chỉ để bảo vệ Hàn Quốc khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Dự kiến hệ thống sẽ được triển khai vào tháng 5.
Khó triển khai đúng kế hoạch
Tuy nhiên, việc tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tối vì bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil có thể xoay chuyển cục diện. Hôm 22/12, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu quá trình xem xét có chấp thuận việc luận tội bà Park hay không.
Nếu Tòa Hiến pháp chấp thuận việc luận tội, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống sớm, thay vì phải đợi tới cuối năm 2017. 29 nghị sĩ trong đảng Saenuri cầm quyền của nữ tổng thống đã quyết định rời khỏi đảng này. Bất kỳ ai lên kế nhiệm bà Park cũng "rất có thể" dẫn tới sự trì hoãn đối với hoạch triển khai THAAD, ông Zhang nói.
Ông Moon Jae-in, thành viên DPK và từng thất bại trước bà Park trong cuộc bầu cử tổng thống gần nhất, khẳng định cần phải để cho chính phủ mới quyết định việc triển khai THAAD.
Hy vọng về mối quan hệ cải thiện giữa Bắc Kinh và Seoul từng rất khả quan khi bà Park mới nhậm chức. Năm 2013, chỉ ba tháng sau khi nhậm chức, bà đã tới thăm Bắc Kinh và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả là "một người bạn cũ". Tháng 9/2015, bà Park cũng được mời tới quảng trường Thiên An Môn, ngồi cùng ông Tập trên hàng ghế danh dự, để dự lễ duyệt binh nhân dịp kết thúc Thế chiến II.
Thế nhưng gần đây mối quan hệ đó đã nguội lạnh. Bắc Kinh tức giận về thời điểm Seoul tuyên bố quyết định triển khai THAAD. Thông báo được đưa ra ngày 13/7/2016, chỉ một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ - Hàn đối với Seoul và hiểu rằng việc chia cắt mối quan hệ đó là không thực tế. Nhưng thời điểm tuyên bố triển khai THAAD đã đổ thêm dầu vào lửa sau khi Bắc Kinh gặp thất bại trong phán quyết về Biển Đông, nhà nghiên cứu Zhang nói.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng Washington sẽ gây sức ép để Seoul triển khai THAAD đúng lịch trình.
Ngày 21/1, quyền tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đã kêu gọi quốc hội ủng hộ đảng cầm quyền trong việc triển khai hệ thống phòng thủ này sớm nhất có thể, để khẳng định sự phản đối mạnh mẽ trước số lượng "chưa từng có" các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2016.
Dù vậy, Ted Galen Carpenter, chuyên gia về quốc phòng và chính sách đối ngoại tại viện Cato cho biết với những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc hiện nay, mong muốn của Lầu Năm Góc trong việc triển khai THAAD đúng hạn "ngày càng ít khả năng thành hiện thực".
Ông Chung Byung-won, tổng giám đốc Vụ Đông Bắc Á của Hàn Quốc, cho biết Seoul sẽ xem xét nghiêm túc các lo ngại của Bắc Kinh. "Hàn Quốc sẽ không khiến Trung Quốc chịu bất kỳ tổn thất chiến lược nào bởi chúng tôi không muốn quan hệ hai nước bị tổn hại bởi THAAD", ông Chung nói. Quan chức này cũng cho biết nỗ lực để các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc ngồi lại thảo luận các vấn đề kỹ thuật, nhằm giảm mối lo ngại của Bắc Kinh trước các radar của THAAD đã bị chính Bắc Kinh bác bỏ.
Cả hai chuyên gia Zhang và Cui đều tin THAAD chỉ là một bước lùi tạm thời trong quan hệ Trung - Hàn, Bắc Kinh sẽ chờ đợi nhiều vào chính quyền mới ở Seoul và tìm kiếm một đối tác chính trị ổn định để đàm phán.
Ông Zhang tin rằng Bắc Kinh không muốn quay lưng với Hàn Quốc bởi họ có một mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Bước đi thực chất nhất để hạ nhiệt căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul sẽ là hoãn triển khai THAAD càng lâu càng tốt", chuyên gia Cui nói. "Thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương".
Hoàng Nguyên