"Các biện pháp trừng phạt không có hiệu quả. Nga không hề hấn gì, đồng ruble cũng không tụt dốc. Công dân EU mới là người phải trả giá trong khi ông Putin mỉm cười mãn nguyện. Dầu và khí đốt Nga sẽ được chuyển tới nơi khác vì nhu cầu rất lớn", Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nói hôm 31/5.
Các lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã nhất trí gói trừng phạt thứ sáu với Nga, trong đó cấm nhập khẩu toàn bộ dầu của nước này, trừ lượng dầu chuyển qua đường ống.
Bình luận mới nhất của ông Milanovic làm nổi bật căng thẳng giữa ông với Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic. "Thật là sai lầm khi nói các lệnh trừng phạt không hiệu quả. Nga đã dùng tiền thu được từ nguồn năng lượng để tài trợ cho các hoạt động quân sự, trong đó một số lượng lớn binh lính và dân thường thiệt mạng mỗi ngày", Thủ tướng Plenkovic bình luận về phát ngôn của Tổng thống Milanovic.
"Tôi và chính phủ đang theo đuổi chính sách vì lợi ích của Croatia và EU, vì lợi ích của công lý và đoàn kết. Còn nếu Tổng thống theo đuổi một chính sách có lợi cho Nga thì ông ấy nên giải thích điều đó với người dân", ông nói thêm.
Tổng thống Croatia hồi tháng 4 nói rằng nếu NATO không đảm bảo các đề nghị của nước này, Croatia sẽ chặn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, đảng HDZ theo chủ nghĩa dân tộc, chiếm đa số trong nghị viện Croatia, bác bỏ hành động này.
Croatia trở thành thành viên NATO năm 2009 và gia nhập EU năm 2013, khi ông Milanovic làm thủ tướng. Milanovic, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, trở thành Tổng thống Croatia từ tháng 10/2020.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. RT cho biết Nga chịu khoảng 10.000 hạn chế, khiến nước này thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore cũng như yêu cầu các nước "không thân thiện" phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble.
Châu Âu muốn ngăn các khoản tiền Moskva có thể thu về từ dầu khí, vốn là nguồn xuất khẩu lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, trong bối cảnh nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Florian Thaler, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu năng lượng OilX, ước tính doanh thu bán dầu của Nga sang châu Âu đạt 310 triệu USD mỗi ngày.
Thủ tướng Italy Mario Draghi nói rằng các lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ "tác động tối đa" với nền kinh tế Nga, bắt đầu "từ mùa hè này". Ông Draghi nói thêm lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng đến thương mại quốc tế trong vài năm, hay thậm chí là mãi mãi.
Ngọc Ánh (Theo Total Croatia News)