Sau 18 tháng nghiên cứu, phân tích, Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) ngày 3/10 công bố Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần ba triệu hình ảnh, hơn một triệu email và gần nửa triệu bảng tính, hé lộ khối tài sản khổng lồ được che giấu tại các công ty offshore (ngoại biên).
Do khối lượng tài liệu quá lớn, các nhà báo điều tra hiện chưa thể chắc chắn được tổng số tài sản được giới siêu giàu và người quyền lực nhất thế giới, gồm hơn 100 tỷ phú, 330 chính trị gia từ nhiều quốc gia che giấu ở nước ngoài dưới các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, ICIJ ước tính số tiền có thể từ 5,6 nghìn tỷ USD cho tới 32 nghìn tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc giới siêu giàu lợi dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới mất tới 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Lakshmi Kumar thuộc tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ giải thích rằng những người này "có thể moi tiền, bòn rút tiền và giấu đi", thường là thông qua việc sử dụng các công ty ẩn danh.
"Số tiền bị giấu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn, đến việc tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở của con bạn", Kumar nói.
Một số người có thể có lý do chính đáng để giữ tiền, tài sản ở nước ngoài, như nhằm đảm bảo an ninh cho cá nhân hoặc tránh các biến động chính trị. Tuy nhiên, nhiều người siêu giàu tìm cách lách luật bằng việc chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thành lập công ty offshore tại các thiên đường thuế, dù phương thức này thường bị coi là phi đạo đức.
Việc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp, nhưng sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là phương thức "rửa tiền" hoàn hảo. Nhiều chính trị gia từng bị lộ chuyện trốn thuế hoặc che giấu tài sản, đặc biệt sau các vụ rò rỉ gây chấn động trước đó, như Hồ sơ Panama năm 2016.
Huyền Lê (Theo BBC)