"Giá dầu đang giảm, giá xăng cũng nên như vậy. Các công ty kinh doanh xăng dầu không nên thu lợi từ hầu bao của những người Mỹ lao động chăm chỉ", Tổng thống Mỹ Joe Biden đăng lên Twitter hôm 16/3.
Ông Biden còn đăng kèm một biểu đồ cho thấy khi giá dầu ở mức 96 USD/thùng vào ngày 1/3, giá xăng ở Mỹ là 3,62 USD/gallon (1 gallon tương đương hơn 3,78 lít). Giá xăng ở Mỹ sau đó liên tiếp tăng lên mức kỷ lục sau khi giá dầu đạt đỉnh hơn 128 USD/thùng hôm 9/3. Tuy nhiên, khi giá dầu hiện nay quay trở lại mức 96 USD/thùng, giá xăng tại Mỹ vẫn là 4,31 USD/gallon.
Giá xăng ở Mỹ được quyết định bởi một loạt yếu tố, trong đó có nhiều thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát trực tiếp của Nhà Trắng. Tuy nhiên, giá xăng tăng cũng làm tồi tệ hơn tình trạng lạm phát ở Mỹ và ảnh hưởng đến tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden.
Giá xăng ở Mỹ từng giảm ở thời điểm đầu đại dịch Covid-19, song tăng vọt khi các biện pháp hạn chế chống dịch được dỡ bỏ vào năm ngoái.
Ông chủ Nhà Trắng tuần trước công bố cấm nhập khẩu dầu Nga để phản đối chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Hầu hết nguồn dầu nhập khẩu của Mỹ tới từ các nước khác ngoài Nga, song ông Biden vẫn cảnh báo lệnh cấm này có thể đẩy giá xăng tăng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trước đó đã tuyên bố rằng chính phủ Mỹ e ngại về áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, do lo sợ gây ra bất ổn cho thị trường.
Ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, Mỹ và các đồng minh còn loại nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa quan chức, tài phiệt Nga vào danh sách cấm vận. Mỹ còn lập đội đặc nhiệm chuyên "thu giữ và đóng băng" tài sản của giới tài phiệt Nga, siết chặt thực thi lệnh trừng phạt với nước này.
Nga sau đó đáp trả phương Tây bằng lệnh cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng thông báo đưa Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng nước này vào danh sách cấm nhập cảnh.
Ngọc Ánh (Theo Hill)