Sáng 19/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân đã đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng).
Tại đây, bản gốc tượng Bồ tát Tara sau nhiều năm bảo quản trong kho lưu trữ được đưa ra trưng bày thay cho phiên bản đề phục vụ chuyến tham quan của lãnh đạo Ấn Độ.
Pho tượng cao 129,3 cm, được làm vào khoảng cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ thứ X. Chất liệu đồng sau thời gian dài chôn vùi dưới lòng đất đã chuyển màu xanh ngọc bích. Tượng được khảm đá quý ở mắt, trán nhưng đá quý ở phần trán đã bị lấy mất.
Phần trên của tượng để trần, phần dưới khoác sarong hai lớp từ thắt lưng dài đến mắt cá chân. Tay phải tượng xòe ra được cho là đỡ bông sen búp, tay trái đỡ bông sen đã nở nhưng đã bị bẻ gãy.
Tổng thống Ấn Độ dừng lại rất lâu trước pho tượng, đứng từ xa rồi tiến lại gần để quan sát kỹ từng chi tiết và tập trung lắng nghe phần thuyết minh bằng tiếng Anh. Nhiều thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ cũng chăm chú ngắm nhìn giá trị nghệ thuật của bức tượng.
Ngay khi đoàn nguyên thủ Ấn Độ rời đi, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã cho phong toả các lối ra vào để vận chuyển, cất giữ pho tượng Bồ tát Tara về kho. Phiên bản tượng được đặt trở lại trước khi mở cửa cho du khách tham quan.
"Bảo vật tượng Bồ tát Tara có niên đại nghìn năm và độc bản ở khu vực Đông Nam Á. Bảo tàng chưa có được phương án an ninh tốt nhất nên đã phải cất giữ trong kho để đảm bảo an toàn nhiều năm qua, chỉ trưng bày phiên bản tỷ lệ 1:1 do kiến trúc sư Australia phục dựng năm 1997", ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho hay.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 18 đến 20/11. Trong hai ngày lưu lại Đà Nẵng, ông có buổi tiếp kiến với lãnh đạo thành phố, thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), trước khi lên máy bay ra Hà Nội vào chiều nay 19/11. Lễ đón chính thức diễn ra tại Phủ Chủ tịch sáng 20/11, sau đó Tổng thống Ấn Độ sẽ hội đàm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Năm 1978, người dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) trong lúc nhặt gạch Chăm từ Phật viện Đồng Dương về làm nhà đã vô tình phát hiện pho tượng quý dưới chân tháp Sáng, ngọn tháp duy nhất sót lại ở nơi từng là Phật viện lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ XIX.
Theo sử liệu, năm 875, vua Indravarman II của Vương quốc Chămpa cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quán thế âm Bồ Tát. Tương truyền trong Phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực.
Tượng Bồ tát Tara được phát hiện còn nguyên vẹn trong tư thế nằm ngửa, xung quanh được sắp đặt các lớp gạch bảo vệ ngay ngắn.