Tối 18/11, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã tiếp kiến Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, nhân chuyến thăm thành phố trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Kovind cho biết, đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Ấn Độ đến thành phố Đà Nẵng. "Tôi rất ấn tượng với Đà Nẵng về sự tiến bộ và phát triển nhanh chóng. Giờ đây, Đà Nẵng như là một thành phố hiện đại", ông nói.
Đánh giá mối quan hệ của hai nước "mang tính chất văn minh", với sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ, cũng như những di tích văn hoá Chăm Pa còn sót lại ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, ông Kovind mong muốn được đến thăm Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) như là cách "bày tỏ và đánh giá cao cho di sản văn minh chung của hai nước".
"Tôi sẽ trồng một cây Bồ Đề ở Thánh địa Mỹ Sơn", ông nói và cho biết rất vui vì từ những khảo sát thực địa và khảo cổ học, Chính phủ Ấn Độ đang hỗ trợ khôi phục đền thờ tại di sản Thánh địa Mỹ Sơn.
Là "Đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam từ năm 2016, Tổng thống Kovind nói mối quan hệ của hai nước đang ngày một sôi động để thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng cho người dân hai nước. "Tôi tin rằng chuyến thăm của tôi đến Việt Nam lần này sẽ là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ đối tác đặc biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Ấn Độ cũng cho rằng, Yoga hiện là môn hết sức phổ biến tại Việt Nam, ông kỳ vọng phương pháp luyện tập lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ sẽ "làm cầu nối để kết nối hai dân tộc Ấn Độ và Việt Nam gần gũi với nhau hơn". Phía Ấn Độ cũng mong muốn được mở rộng hỗ trợ cho người dân Việt Nam thông qua các dự án phát triển.
Đà Nẵng đang là địa phương có nhiều hợp tác với phía Ấn Độ về kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục. Năm 2007, dự án ODA về thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Anh Việt Nam - Ấn Độ đã được Chính phủ Ấn Độ tài trợ, có vốn đối ứng từ UBND TP Đà Nẵng. Dự án hoàn thành hai năm sau đó. "Đây cũng là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ", ông Kovind nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, sau 20 năm chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều bứt phát để khẳng định vai trò trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thu nhập bình quân của người dân không ngừng được nâng lên.
Ông Trương Quang Nghĩa hy vọng, sau chuyến thăm Đà Nẵng của Tổng thống Ram Nath Kovind, thời gian tới hai bên sẽ có nhiều sự hợp tác về mọi mặt.
Sao buổi tiếp kiến, lãnh đạo Đà Nẵng đã mở tiệc chiêu đãi Tổng thống Ram Nath Kovind cùng phu nhân và 20 thành viên trong đoàn tại khách sạn ven biển. Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đã tặng Tổng thống Ấn Độ bức tranh thêu truyền thống, tặng phu nhân cài áo mạ vàng 24k hình hoa đào chuông - loài hoa đặc trưng ở độ cao 1.400m ở đỉnh núi Bà Nà (Đà Nẵng).
Kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Ấn Độ năm 2017 ước đạt 1,7 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016; 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,5 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến tháng 9/2018 có 02 dự án FDI của Ấn Độ đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư 13,5 triệu USD.
Hàng năm, thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ dành các suất học bổng trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng Anh ngắn hạn, công nghệ thông tin, môi trường, khoa học, v.v... trong Chương trình Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật Quốc tế (ITEC) cho cán bộ thành phố Đà Nẵng.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Học viện Bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học, Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản ca-ta-lô "Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với Nghệ thuật Ấn Độ" nhằm nghiên cứu về 50 hiện vật điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (6/2013).
Bảo tàng đang phối hợp với Bảo tàng quốc gia Ấn Độ nghiên cứu, biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ, chuẩn bị in tại Ấn Độ cuối năm 2018.