"Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể xác nhận UAE đã chào đón Tổng thống Ashraf Ghani và gia đình ông ấy đến đất nước vì lý do nhân đạo", Bộ Ngoại giao UAE hôm nay cho biết trong một thông cáo ngắn gọn.
Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ này chào đón các cựu lãnh đạo và người thân của họ. Năm 2017, tiểu vương quốc Dubai đón cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người bị kết án 5 năm tù vắng mặt sau cuộc đảo chính trong nước.
Vua Tây Ban Nha Juan Carlos sống lưu vong ở UAE vào tháng 8 năm ngoái, khi nhiều nghi vấn được đặt ra về nguồn gốc tài sản của ông. UAE cũng là nơi lãnh đạo đối lập Pakistan Benazir Bhutto sống lưu vong 8 năm trước khi bà bị ám sát tại quê nhà năm 2007.
UAE là một trong ba quốc gia, bên cạnh Arab Saudi và Pakistan, công nhận chính quyền Taliban trước đây, khi lực lượng này cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001.
Ông Ghani và một số thành viên nội các hôm 15/8 rời Afghanistan trước khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul. Một ngày sau, Ghani đăng Facebook rằng rời đất nước là lựa chọn khó khăn và ông quyết định ra đi để "tránh đổ máu". Trước đó, một số nguồn tin cho rằng Ghani đã đến Tajikistan.
Tổng thống Ghani là nhà kinh tế học, từng giảng dạy ở Đại học Berkeley và Johns Hopkins ở Mỹ giai đoạn 1983-1991, sau đó làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Ông bỏ quốc tịch Mỹ để tham gia cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2009 nhưng thất bại. Ghani đắc cử tổng thống lần đầu năm 2014 và tái đắc cử tháng 9/2019.
Việc Kabul nhanh chóng thất thủ và Ghani rời đất nước khiến ông hứng chỉ trích gay gắt. Đại sứ quán Nga tại Afghanistan thậm chí cáo buộc Ghani rời đi cùng 4 xe ô tô chất đầy tiền.
Taliban tiến vào Kabul mà không gặp sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ, chưa đầy một ngày sau khi bắt đầu bao vây thủ đô. Lực lượng này đã tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng và chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan trong vài tuần qua, sau khi Mỹ và đồng minh rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan.
Huyền Lê (Theo AFP, CNN)