Chiều 5/1, làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6) - ông Mã Giang Kiểm cho biết, ngay sau sự cố tại dự án Cát Linh - Hà Đông, Tập đoàn đã họp bàn và chỉnh sửa các vấn đề liên quan để đảm bảo an toàn và chỉnh đốn lại phương pháp quản lý.
Tập đoàn sẽ lập Tổ giám sát an toàn kỹ thuật riêng cho dự án, thay giám đốc dự án và cử người có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm để sang Việt Nam làm Tổng chỉ huy.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ kiểm tra quy mô lớn toàn bộ giàn giáo thi công các nhà ga, lao lắp dầm, bản vẽ thiết kế thi công, tính toán lại các chỉ số. Công tác thi công nào không tuân thủ biện pháp an toàn sẽ bị dừng ngay. Tập đoàn đồng thời rà soát các nhà thầu phụ, chọn nhà thầu phụ mới đủ năng lực dựa trên giới thiệu của Bộ Giao thông.

Lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng, nếu không chấn chỉnh công tác an toàn dự án Cát Linh - Hà Đông thì sự cố không dừng lại. Ảnh: Quý Đoàn.
Theo ông Mã Giang Kiểm, dự án rất được các bên quan tâm nên Tập đoàn sẽ xác định tiến độ và căn cứ vào đó để xem xét chia mũi thi công.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tái khẳng định, dự án này thực hiện theo hình thức EPC nên vai trò của Tổng thầu là hết sức quan trọng. Tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ cũng như hiệu quả dự án. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, Tổng thầu chưa chủ động trong vấn đề triển khai, dẫn đến tiến độ chậm và hiệu quả dự án chưa cao.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng thầu phải thay ngay giám đốc điều hành, đưa chuyên gia giỏi sang để thực hiện dự án trước 10/1. "Phó tổng giám đốc phải sang họp hàng tháng, Tổng giám đốc họp ít nhất một quý một lần lần với Bộ Giao thông để xem xét tiến độ, chất lượng, cùng với đó là rà soát năng lực nhà thầu phụ trước 15/1. Nhà thầu chứng minh được năng lực, thiết bị... thì mới cho phép tiếp tục thi công", ông Trường nói.
Thứ trưởng cũng giao Ban Quản lý dự án đường sắt phân công trách nhiệm rõ ràng từng Phó tổng giám đốc, chậm nhất đến 20/1 phải khởi động lại dự án.
Dự án bị dừng thi công lần đầu sau sự cố rơi thép làm 1 người tử vong và 2 người bị thương hồi đầu tháng 11. Vừa tái khởi động, dự án tiếp tục đình trệ vì một đoạn giàn giáo bị sập vùi xe taxi cuối tháng 12.
Được khởi công tháng 10/2011, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chốt thời hạn hoàn thành cuối năm nay. Tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu.
Toàn tuyến đường sắt dài 13 km chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Đoàn Loan