Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định về cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của các cán bộ, chiến sĩ.
Trước thực trạng nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người gần đây, ông yêu cầu tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm và có biện pháp phòng ngừa. "Các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải xác định tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm hình sự và kỷ luật", lãnh đạo Chính phủ nói.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, cùng các địa phương tổng kiểm tra, rà soát toàn quốc về phòng cháy, chữa cháy, nhất là địa bàn, lĩnh vực để xảy ra nhiều sự cố, như quận Cầu Giấy (Hà Nội); quán karaoke; cơ sở tập trung đông người; chung cư cao tầng.
Các đơn vị tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy như giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo; nghiên cứu chuyển giao công nghệ và phương tiện, thiết bị; huy động nguồn lực xã hội hóa mua sắm trang thiết bị...; bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy với nhà ở riêng lẻ, cơ sở kinh doanh đặc thù trong đó có quán karaoke, vũ trường, quán bar, chợ, kho; nhất là liên quan đến chuyển đổi công năng như từ nhà ở sang kinh doanh dịch vụ, vừa ở vừa kinh doanh, sản xuất.
Ông đặt mục tiêu ngăn chặn, tiến tới chấm dứt chết người và hậu quả nghiêm trọng trong các vụ cháy, nổ do nguyên nhân chủ quan. Bộ Công an được giao chủ trì cùng Bộ Quốc phòng, Tư pháp nghiên cứu xây dựng Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ sửa đổi các quy định về sử dụng điện (sau công tơ), bảo đảm an toàn tại các cơ sở, hộ gia đình. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chính sách đặc thù cho lực lượng này.
Sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng nêu ba nguyên nhân khiến quán karaoke, vũ trường dễ cháy. Đầu tiên, nhiều quán karaoke trước năm 2015 được chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh. Nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là quy định về hai lối thoát nạn - rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ.
Hai là đa số quán không thực hiện quy định về vật liệu, trang âm chống cháy. "Phần lớn trước năm 2015 các cơ sở kinh doanh như thế nên bây giờ khắc phục rất khó. Các công trình trong khu dân cư ở ngõ, hẻm, kẹt... gây khó khăn cho phòng cháy, chữa cháy", Thứ trưởng Hùng nói.
Ba là khi xin cấp phép, chủ quán xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không phải kinh doanh karaoke. Sau đó, họ cải tạo, sửa chữa thành cơ sở kinh doanh karaoke "nhưng cũng không xin phép". Chủ quán vận hành cơ sở không có kỹ năng hướng dẫn, nhân viên không có kiến thức về chống cháy nổ, thoát hiểm, "nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý".
Theo ông Hùng, khâu an toàn điện khó kiểm soát, có ở trên giấy nhưng không cơ quan nào kiểm tra được, nên phải có quy định về vận hành và kiểm tra. Cuối cùng là trách nhiệm của chủ sở hữu, người vận hành, phải có ý thức tuân thủ các quy định.
Với 45% vụ cháy có nguyên nhân từ hệ thống điện, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an, liệt kê hàng loạt bất cập chưa được khắc phục, như Bộ Xây dựng chưa có cơ chế quản lý, giám sát lắp đặt thiết bị điện phù hợp để giảm nguy cơ cháy, nổ. Bộ Công Thương chưa có kết quả cụ thể về rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn phòng cháy tại cơ sở, hộ gia đình. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hoàn thiện nội dung về phòng cháy, cứu hộ vào chương trình. 11 địa phương chưa công khai dự án, công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. "Năm phút đầu là thời điểm vàng để chữa cháy, nên cần huy động tối đa lực lượng tại chỗ với phương châm là lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân, chỉ huy trong dân", ông Long nói.
Theo Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An, việc sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị, chất lượng thi công hệ thống điện là ba vấn đề "tương đối căng thẳng". Bộ Công Thương đã rà soát và thấy rằng, pháp luật về phòng chống chống cháy nổ, sau thông tư chưa có quy định về an toàn điện; còn khiếm khuyết trong quy định cụ thể về kiểm soát hành vi sử dụng điện. Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi các quy định như Bộ Công an đã nêu.
"Việc thực thi, chấp hành pháp luật đang có vấn đề, dù phòng cháy chữa cháy là một trong những luật nghiêm ngặt nhất", Thứ trưởng Công thương đánh giá.
5 năm qua, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, làm 433 người chết, 790 người bị thương; thiệt hại 7.000 tỷ đồng và 7.5000 ha rừng. Ngoài ra, có 149 vụ nổ làm 64 người chết, 190 người bị thương. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (60%), tập trung khu vực dân cư, nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh; cơ sở sản xuất, kho tàng. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (45% số vụ).