Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam sau khi tính toán lại đạt khoảng 3.000 USD (năm 2018), thay vì mức 2.590 USD theo số liệu hiện nay. Trước một số ý kiến cho rằng việc tính toán lại GDP mang ý nghĩa hình thức, đồng thời nghi ngờ về phương pháp tính, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê sáng nay (16/8) đã chia sẻ thêm với báo chí.
"Đánh giá lại quy mô GDP là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Quy mô GDP theo số liệu mới vẫn được thực hiện theo phương phảp sản xuất, không phải cách tính mới", Tổng cục trưởng Thống kê khẳng định.
Theo ông, đợt đánh giá năm 2019 cũng không phải lần đầu cơ quan thống kê đánh giá lại quy mô nền kinh tế. Trước đó, năm 2013, Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008 - 2012, khi đó GDP tăng khoảng 9%. Đợt đánh giá cách đây 6 năm chỉ tập trung một số ngành như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản. Trong lần này, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết sẽ đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp sẽ không được tính tới do chưa có số liệu đầy đủ.
Trung Quốc cũng nhiều lần đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó hai lần gần nhất bổ sung lần lượt 305 tỷ và 141 tỷ USD vào quy mô nền kinh tế. Giai đoạn 2013 - 2014, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Rumani và Croatia tăng 28,4%; Đức tăng 3%; Italy tăng 7%. Việc đánh giá lại quy mô GDP cũng không phải chỉ riêng Việt Nam thực hiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2013, Mỹ đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 và điều chỉnh tăng thêm 560 tỷ USD (tương đương tăng 3,6% so với số liệu đã công bố).
Nói đến nguyên nhân của việc phải đánh giá lại GDP, ông Lâm cho biết xuất phát từ khó khăn của ngành thống kê. Do khối lượng công việc lớn và nguồn lực có hạn, việc tính toán số liệu hàng năm được xây dựng theo mô hình chọn mẫu, tính toán được xu hướng của nền kinh tế nhưng chưa thực sự đầy đủ về quy mô.
Trong lần đánh giá lại, cơ quan thống kê chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân tăng và 1 nhóm nguyên nhân làm giảm GDP. Về nhóm tăng, việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra và thông tin từ hồ sơ hành chính đóng góp 90% trong tổng mức điều chỉnh tăng quy mô nền kinh tế.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), lần này có bổ sung thêm quy mô của 76.000 doanh nghiệp, những doanh nghiệp này chưa được tính toán vào quy mô nền kinh tế.
Theo ông Lâm, việc thống kê hoạt động của khối doanh nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn. "Nhiều doanh nghiệp chây ì không cung cấp thông tin hoặc cung cấp số liệu thấp hơn thực tế khiến công tác thống kê gặp nhiều khó khăn, quy mô GDP thấp hơn thực tế. Ngay cả nhiều doanh nghiệp lớn cũng không cung cấp thông tin trong những đợt tổng điều tra", Tổng cục trưởng Thống kê cho biết và nhấn mạnh, nghĩa vụ công bố thông tin trong những đợt tổng điều tra đã được quy định trong Luật Thống kê.
Việc đánh giá lại quy mô nền kinh tế, đại diện cơ quan thống kê cho biết, việc này sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc này không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch, do sự thay đổi về tăng trưởng qua các năm rất nhỏ.
Trước những bình luận cho rằng việc gia tăng quy mô GDP có thể giảm bớt tỷ lệ nợ công, trần vay nợ, ông Lâm khẳng định mục đích của việc đánh giá lại không hướng tới điều này. "Chúng tôi khẳng định lại rằng mục tiêu của việc tính toán lại GDP không phải để Chính phủ sau này gia tăng vay nợ. Chuyện nợ công tăng hay không là chính sách của Chính phủ, Bộ ngành, các nhà kinh tế, còn thống kê chỉ chịu trách nhiệm cung cấp bức tranh thực của nền kinh tế", ông Lâm nói.
Minh Sơn