Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ đề xuất giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại giấy phép lái xe, ngăn chặn trường hợp lợi dụng chính sách. VnExpress có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục Đường bộ xung quanh nội dung này.
- Cơ sở nào để Bộ Giao thông nhận định chính sách cấp lại giấy phép lái xe hiện hành có thể bị lợi dụng?
- Chúng tôi nhận thấy thực tế có nhiều giấy phép lái xe bị cơ quan công an tạm giữ, lẽ ra người dân phải đi nộp phạt song họ cố tình khai báo mất để xin cấp lại. Nguyên nhân là hiện nay phí đổi và cấp lại khá thấp, chỉ 135.000 đồng, ít hơn so với việc người đó phải đi nộp phạt.
Ngoài ra, nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe như một loại giấy tờ nhân thân với nhiều mục đích, nên muốn sở hữu nhiều giấy phép lái xe; có người cố tình lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để đi xin nhiều giấy phép lái xe về sử dụng không đúng mục đích. Vì vậy, Bộ Giao thông đã giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu đề xuất các giải pháp siết chặt, xử lý những trường hợp gian dối khi xin cấp lại giấy phép lái xe, song làm sao vẫn phải tạo điều kiện cho người dân mất thật sự được cấp lại dễ dàng.
- Tổng cục Đường bộ nắm được số liệu cụ thể về hiện tượng nêu trên như thế nào?
- Qua tổng hợp của 27 Sở Giao thông, trong đó có Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, năm 2017 có hơn 9.700 giấy phép lái xe bị tạm giữ, gồm gần 3.000 giấy phép lái xe ôtô và trên 6.800 giấy phép môtô.
Tổng cục Đường bộ chưa có cơ sở dữ liệu nên chỉ căn cứ vào thông báo của Cục Cảnh sát giao thông là có nhiều giấy phép lái xe bị tạm giữ, trong khi chúng tôi nhận thấy người báo mất và xin cấp lại cũng rất nhiều. Do đó, Tổng cục cần sự hỗ trợ từ cảnh sát giao thông để xử lý, phân loại các trường hợp xin cấp lại bằng lái nhằm hạn chế việc tài xế lợi dụng chính sách. Còn đánh giá chính xác bao nhiêu người khai báo gian dối để xin cấp lại giấy phép thì chưa có.
- Bộ Giao thông và Bộ Công an chỉ cần kết nối dữ liệu là dễ dàng xác minh trường hợp nào bị tạm giữ bằng lái hay mất thật sự. Bà nghĩ sao về việc này?
- Thông tư liên tịch 01 giữa hai bộ cho phép công an gửi số liệu tước giấy phép lái xe, song chưa quy định việc phải gửi dữ liệu về tạm giữ bằng lái nên một số đơn vị không gửi thông báo tạm giữ về các Sở Giao thông. Điều này dẫn đến cơ quan quản lý về giao thông không nắm được vi phạm của tài xế khi họ đến làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe.
Hiện nay việc gửi thông tin bằng văn bản có thể thất lạc hoặc chậm nên ảnh hưởng đến quá trình cập nhật dữ liệu. Tổng cục Đường bộ và Cục cảnh sát giao thông sẽ cùng nhau xây dựng phần mềm để thuận tiện tra cứu lỗi vi phạm của tài xế trong thời gian sớm nhất. Đây là dữ liệu quốc gia và các cơ quan quản lý nhà nước được khai thác chung.
- Bà nghĩ sao khi nhiều chuyên gia cho rằng việc buộc người mất bằng lái xe phải thi lại là đẩy khó cho dân?
- Chúng tôi sẽ soạn thảo quy định mới theo hướng những trường hợp nghi vấn gian dối mới có thể phải thi lại, nghĩa là phân loại đối tượng. Cơ quan quản lý cố gắng phân biệt rõ người nào khai báo không đúng để xử lý, yêu cầu sát hạch lại. Với người dân có giấy phép lái xe chẳng may bị mất, bị rơi thì vẫn đến đổi thuận lợi như lâu nay, nghĩa là chúng tôi theo dõi trong 2 tháng xem người đó có bị tước giấy phép hay không, nếu thời gian đó không có gì cập nhật trên cơ sở dữ liệu thì họ sẽ được cấp lại.
- Những trường hợp nào sẽ nằm trong diện nghi vấn gian dối?
- Các trường hợp xin cấp lại 2-3 lần trở lên, hoặc trong dữ liệu từng vi phạm bị tước giấy phép lái xe nhiều lần, có gian dối trong khai hồ sơ và không khớp với cơ sở dữ liệu đã lưu trữ... Các trường hợp này chúng tôi sẽ xác minh và có thể yêu cầu sát hạch lại.
Bộ trưởng Giao thông đã giao Tổng cục Đường bộ rà soát các trường hợp có nghi vấn gian dối xin cấp lại giấy phép lái xe và xử lý nghiêm. Chúng tôi đang triển khai việc này và sẽ có báo cáo đánh giá tác động xã hội trước khi chỉnh sửa thông tư 12 về quản lý, cấp giấy phép lái xe.
Trong quá trình trên, Tổng cục Đường bộ lắng nghe ý kiến của người dân, bình luận của chuyên gia và sẽ nghiên cứu để đưa vào dự thảo mới đạt yêu cầu thực tế, sao cho xử lý được trường hợp gian dối mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ngày 6/3, tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp, Bộ trưởng Giao thông đã đề xuất tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3. Đề xuất này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.