Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trụ sở Trung ương Đảng tối 29/3, Tổng bí thư đề nghị hai nước đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ. Tổng bí thư cũng mong muốn hai nước tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng thúc đẩy thương mại và lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương.
Lãnh đạo Việt Nam cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Mỹ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực. Tổng bí thư khẳng định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam, mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng các nước ASEAN thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng", tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ nhất trí với những phương hướng hợp tác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, trong đó nhấn mạnh hợp tác thương mại, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng là lĩnh vực tiềm năng.
Mỹ cam kết thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mong muốn sự hợp tác của Việt Nam và các nước trong đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hai lãnh đạo nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. Hai lãnh đạo nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp.
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ năm 1995. Hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013. Thương mại song phương đạt hơn 123 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Khoảng 30.000 sinh viên Việt học tập tại Mỹ, đóng góp một tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là điểm sáng trong quan hệ, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 5/2022 có chuyến công du Mỹ 7 ngày với lịch trình hơn 60 hoạt động. Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm này giúp quan hệ song phương Việt - Mỹ có thêm đà tiến trong nhiều lĩnh vực.
Hồi tháng 8/2021, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thăm Việt Nam trong 3 ngày, là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam khi đương nhiệm.
Ngọc Ánh