Trao đổi với cử tri hai quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm ngày 28/9 về vấn đề tên nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng bí thư cho hay, ông được biết tuyệt đại đa số người dân đồng ý với tên gọi hiện nay - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Đấy là một bước tiến, chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội chứ có dừng ở cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đâu”, Tổng bí thư nói. Việc này, theo ông sẽ do Quốc hội quyết định, song, cũng phải phòng khả năng "thế lực xấu bên ngoài lợi dụng đổi tên nước để làm việc khác, cũng như muốn bỏ Điều 4, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng".
Tổng bí thư phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri chiều 28/9 tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cũng liên quan tới nội dung Hiến pháp sửa đổi, Tổng bí thư cho biết, đến nay còn 4 vấn đề lớn trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp – “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Trong đó, về thành phần kinh tế thì đa số đang tán thành phương án có nêu “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”.
Liên quan đến quy định về thu hồi đất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc thu hồi chỉ trong trường hợp phục vụ cho công việc quốc gia, quốc phòng, công cộng và phát triển kinh tế xã hội. Hiện, các ý kiến còn khác nhau ở chỗ có quy định nhà nước thu hồi đất cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hay không. Nhiều ý kiến lo ngại tùy tiện trong việc giao cho các doanh nghiệp.
“Nhưng nếu không quy định thì làm sao có thể thu hồi đất để xây dựng những công trình quốc gia, những khu công nghiệp lớn”, Tổng bí thư nói.
Trước góp ý của cử tri Nông Quang Lộc (Hoàn Kiếm) về việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ tiếp thu, báo cáo với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Theo ông, cơ chế kiêm nhiệm đã từng được nêu ra, trên thế giới cũng có mô hình này như ở Trung Quốc.
Ở Việt Nam, vấn đề này do Đảng phân công, tùy từng giai đoạn, có thể trung ương Đảng phân công Tổng bí thư sang làm Chủ tịch nước. Việc này không "chốt cứng" trong Hiến pháp.
"Quy định như hiện nay để đề phòng quyền lực quá tập trung vào một người. Cơ chế kiêm nếu tốt thì là phúc cho dân tộc, còn chẳng may tính toán không kỹ thì là cái họa", Tổng bí thư nói.
Chia sẻ với nhiều cử tri về tình hình kinh tế đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, muốn đánh giá thì có nhiều cách tiếp cận, tùy quan điểm và phương pháp. Hiện, đánh giá của quốc tế và các cơ quan trong nước còn khác nhau về con số thống kê. Nếu Tổng cục Thống kê làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trả lời băn khoăn của cử tri Dương Văn Tiện (Tây Hồ) về việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Tổng bí thư khẳng định, đối với vấn đề Biển Đông, các nước có liên quan phải kiên trì phương châm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi. Nếu có tranh chấp thì phải giải quyết bằng hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển năm 1982. Theo ông, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 10, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc sẽ sang thăm Việt Nam để tiếp tục tìm cơ chế hợp tác có lợi cho cả đôi bên. |
Nguyễn Hưng