Tôi 34 tuổi, đã có gia đình nhỏ với một đứa con. Vợ chồng tôi rời quê lên thành phố mưu sinh, như bao người khác. Nhưng năm nào cũng vậy, giá vé có đắt, đường có xa, Tết đến là tôi lại gói ghém đưa vợ con về quê thăm ông bà nội ngoại.
Với tôi, đó không chỉ là chuyện truyền thống hay trách nhiệm, mà còn là một điều thiêng liêng vì được gặp những người thân yêu nhất đời.
Nhiều người bảo: "Xa quê lập nghiệp để đổi đời, nhưng về Tết thì tốn kém lắm, vé xe cộ, quà cáp, chi phí... phải đến mấy chục triệu, chưa kể sự mệt mỏi khi đi lại".
Tôi hiểu, những con số đó không nhỏ đối với gia đình lao động bình thường như chúng tôi. Nhưng thử hỏi, còn có bao nhiêu cái Tết chúng ta được quây quần bên bố mẹ? Một năm gặp nhau đôi ba lần, mỗi lần về quê chỉ là những ngày ngắn ngủi, và bố mẹ đâu còn trẻ mãi.
Có ai biết trước được lần gặp nào sẽ là lần cuối?
Nhớ những năm đầu lập nghiệp, vợ chồng tôi chật vật với đồng lương ít ỏi, tính toán chi li từng khoản, nhưng Tết vẫn cố gắng gói ghém về nhà. Chúng tôi không thể đem theo những món quà đắt tiền, chỉ có bánh kẹo bình dân, vài cân hoa quả...
Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà còn là thời khắc kết nối gia đình. Những khoảnh khắc ấy không chỉ là kỷ niệm đẹp, mà còn là sợi dây gắn kết tình thân, giúp chúng tôi thêm yêu thương, thêm trân trọng những gì mình đang có.
Chi phí về quê mỗi năm tăng thêm, nhưng tôi xem đó là sự đầu tư ý nghĩa nhất. Tiền bạc có thể kiếm lại, nhưng thời gian thì không. Còn được thấy bố mẹ khỏe mạnh, còn được nghe họ cười nói là điều may mắn lớn nhất.
Quang Hưng