Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) Trương Đình Hòe khẳng định vào chiều nay rằng, cho đến giờ này Vasep vẫn chưa nhận được đăng ký nộp hồ sơ nào của 4 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và 34 bị đơn tự nguyện Việt Nam đang chịu áp mức thuế phá giá của Mỹ. Rủi ro có thể tăng mức thuế suất sau khi xem xét cộng với những chi phí rất lớn để theo đuổi vụ việc là những lý do chính khiến các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi quyết định nộp hồ sơ.
Mức thuế suất phá giá sau khi được DOC xem xét lại cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoản tiền ký quỹ (bond) mà doanh nghiệp phải đóng nếu muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các nguồn tin nước ngoài cho hay, DOC dự tính sẽ bắt đầu xem xét lại mức thuế đối với các công ty từ tháng 3. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan này vẫn chưa quyết định sẽ sử dụng phương pháp review nào, song cũng đang thảo luận tới một vài biện pháp.
Con tôm Việt Nam đứng trước sự lựa chọn, có hay không nộp hồ sơ yêu cầu xem xét mức thuế phá giá bán vào thị trường Mỹ. Ảnh: SGGP. |
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Ngọc Quý, Tổng giám đốc Công ty Kim Anh - doanh nghiệp phải gánh thuế suất phá giá cao nhất là 25,76% - cho biết, công ty này hiện đang cân nhắc chuyện có nộp hồ sơ review hay không. "Chúng tôi sẽ quyết định trong vòng vài ngày nữa", ông Quý nói. Không muốn cân đo đong đếm giữa khả năng có hoặc không nộp hồ sơ, ông Quý chỉ hy vọng rằng được quay lại thị trường Mỹ trong thời gian sớm nhất. Mức thuế phá giá quá cao do DOC áp đặt trong hơn 1 năm qua đã khiến Kim Anh bỏ hẳn thị trường Mỹ để tìm kiếm những thị trường khác, nên thiệt hại khá lớn.
Đại diện Công ty Minh Phú - doanh nghiệp đầu tiên chấp nhận đóng tiền ký quỹ cho Hải quan Mỹ để tiếp tục được nhập khẩu hàng vào thị trường này, cũng đang tính toán thiệt hơn trước khi quyết định nộp hồ sơ. Quy định bắt buộc phải cung cấp toàn bộ hồ sơ về thị trường, chi phí, giá cả, doanh thu... của doanh nghiệp trong suốt 18 tháng hoạt động hậu áp thuế phá giá cho DOC, khiến không chỉ Minh Phú mà các doanh nghiệp khác đều ngần ngại.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Ấn Độ, những doanh nghiệp muốn yêu cầu Mỹ xem xét lại mức thuế chống bán phá giá thường là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Lý do vì vướng quy định phía Mỹ yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp những số liệu kinh doanh cụ thể của 18 tháng gần nhất, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo quy định của Mỹ, sau khi nhận hồ sơ yêu cầu xem xét lại của 3 nhà gồm xuất khẩu, nhập khẩu và nguyên đơn Mỹ (Liên minh tôm miền Nam), DOC mới quyết định có tiếp tục xem xét lại mức thuế phá giá hay không và nếu có, sẽ đưa ra danh sách các doanh nghiệp phải bước qua "cửa ải" mới. Do đó, theo ông Hòe, hiện chưa dự đoán được khả năng sẽ review của DOC trong thời gian tới. Song ông Hòe cho biết, quy định của Mỹ cho phép trong vòng 90 ngày sau khi nộp đơn xin review, doanh nghiệp có quyền thay đổi quyết định để rút lại hồ sơ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho VnExpress biết, Bộ cùng với Vasep và các doanh nghiệp liên quan đang tìm kiếm những luật sư đủ khả năng để tham gia vào hành trình đi tiếp vụ kiện phá giá. Song, đến nay, tên tuổi các luật sư này vẫn còn là bí mật và sự hợp tác giữa các bên đang trong giai đoạn bàn thảo. Trước mắt, dự kiến đầu tháng tới, Vasep sẽ có cuộc họp kín với các doanh nghiệp bị áp thuế để bàn về việc chuẩn bị cho DOC review.
Luật sư Đinh Ánh Tuyết của hãng luật Vilaf Hồng Đức cho rằng, mức thuế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ là mức thuế tạm tính, nếu không review lại trong năm nay thì nó sẽ trở thành mức thuế cố định.
Luật sư Tuyết cũng nhận định, việc xem xét thuế có đem lại hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình chuẩn bị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chuẩn bị càng chu đáo thì khả năng thành công càng cao. "Việc chuẩn bị các số liệu đầu ra, đầu vào, giá bán mua hay hiệu quả sản xuất đối với các doanh nghiệp không phải là khó khăn lớn nhất. Trở ngại chính đối với doanh nghiệp là vấn đề chi phí cho việc theo đuổi quá trình này", bà Tuyết nhận xét.
Tạp chí The Economic Times phân tích, việc áp dụng thuế chống bán phá giá cũng như mức kỹ quỹ bond đã khiến số lượng nhà xuất khẩu vào Mỹ giảm từ 30 xuống còn 20 công ty, chứng tỏ nhiều nhà xuất khẩu đã rời bỏ thị trường Mỹ. Thuế suất đánh vào tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và 4 quốc gia khác là Việt Nam, Trung Quốc, Brazil, Ecuador cũng đã khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi nhiều tiền hơn. Thực trạng này không có lợi đối với ngành công nghiệp tôm của Mỹ do thị trường đã lớn hơn năng lực cung cấp của các nhà nuôi tôm nước này. |
Phan Anh - Hà Vy