Ví dụ, ngày xưa tôi nghĩ chắc chỉ có mình tôi nghĩ tôm hùm không ngon, tôm càng xanh loại lớn ngon hơn. Hóa ra sau này rất nhiều người cùng quan điểm với tôi. Tôi tìm hiểu thì thế kỷ trước người ta còn không ăn tôm hùm, thậm chí tù nhân ở Mỹ còn viết thư phản đối vì phải ăn tôm hùm.Tôm hùm bông tôi ăn vẫn thấy chán. Các món này tôi chỉ ăn ở nhà hàng và resort chứ không bao giờ ăn đồ "ngộp" hay đồ rẻ tiền.
Trứng cá muối loại siêu xịn thì tôi chưa ăn chứ loại bình dân tôi ăn rồi, cũng là loại thực phẩm cực kỳ đắt đỏ, vài triệu đồng chỉ được một tí ti. Nhưng ăn vào tôi thấy tanh lợm, không ngon béo bùi gì cả.
Có thể nhiều món ăn mà khẩu vị phương Tây cảm thấy ngon, nhưng số khác cố gò nhau ăn và phải khen. Chứ chưa chắc đó là giá trị thực của sản phẩm.
Vài năm trước có trend muối hồng Himalaya, chỉ là muối nhiễm oxit sắt, không hề thay đổi vị hay ngon hơn, bổ hơn nhưng một số đầu bếp cũng tung hô...
Hay 'thánh rắc muối' Salt Bae cực kỳ nổi tiếng nhưng bị rất nhiều thực khách chê là thịt bò cũng xoàng nhưng giá quá cao. Người ta không ăn lấy ngon mà ăn lấy tiếng.
Riêng cua hoàng đế, tôi biết ở Mỹ chỉ là thực phẩm bình thường, không phải là đặc sản hay cao cấp gì. Ngay cả ở Việt Nam tôi thì cũng chỉ thấy là thực phẩm loại bình thường thôi, không phải thuộc loại xa hoa.
Chuyện có thật, không thường xuyên nhưng cũng không phải hiếm khi xảy ra: Một nhà hàng đưa nhầm chai rượu trị giá 100 USD thay vì 1.000 USD cho thực khách, khách khen lấy khen để, nhà hàng rất khó xử nhưng vì trung thực buộc phải ra nói thật.
Nói như vậy cho các bạn thấy là có nhiều thứ chỉ là lỡ ăn phải khen và ăn để được khen chứ không ngon.
Vậy đấy, đôi khi người ta ăn để lấy tiếng, để ra vẻ hơn là ăn để ngon. Điều quan trọng là khả năng để phân biệt ngon thực sự và ngon do cảm giác được khen. Có một bộ phim tên Hunger đã phản ánh đúng chính xác thực trạng ăn để lấy sĩ diện, để cảm thấy đẳng cấp.
Đọc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.