Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài đánh giá về cách làm việc của cơ quan điều tra đối với các vụ án có nạn nhân là trẻ nhỏ, và thói quen đổ lỗi của người nhà nạn nhân khi chưa tìm ra hung thủ thật sự.
Khi đọc tin buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long bị phá đám của người nhà cháu gái nạn nhân, tôi chỉ thở dài xót xa. Ông Hàn Đức Long đã gánh quá nhiều nỗi khổ nên có xót xa thêm cho ông cũng không ích gì. Tôi chỉ xót xa cho người nhà nạn nhân.
Hỗn loạn tại buổi tòa án xin lỗi ông Hàn Đức Long
Tôi thông cảm cho những người thân phải gánh chịu cái tai họa kinh khủng cuộc đời, khi đứa con bé tí bị giết, bị lạm dụng tình dục dã man. Nhưng tôi xót xa cho tâm lý đổ lỗi cũng như sự "nghĩ ngắn" của các vị phụ huynh xốc nổi. Họ chỉ cần một nơi trút giận mà không nghĩ tới hậu quả dành cho người khác, họ càng không nghĩ tới hậu quả cho chính gia đình mình.
Trong thời gian làm việc tại văn phòng luật sư công ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều tội ác kinh dị. Những vụ lạm dụng tình dục, những án mạng, và có cả một tên chuyên đi rình mò các nữ sinh, khi có cơ hội thì bắt lại hãm hiếp rồi giết chết vứt xác. Hắn đã làm như vậy không chỉ có một lần.
Mẫu số chung của những vụ án mà người bị hại chết hay bị thương nghiêm trọng là sự giận dữ của người thân của người bị hại và người bị hại, nếu họ còn sống. Với bên công tố, mẫu số chung là áp lực phá án. Còn với luật sư biện hộ, mẫu số chung là làm sao để biết được rằng thân chủ của mình có vô tội hay không.
Áp lực phá án với những vụ án nghiêm trọng mà trẻ con là nạn nhân rất lớn. Cảnh sát ở Mỹ bị hạn chế bởi các quy định trong nghiệp vụ, bởi luật pháp, và bởi xu hướng suy luận vô tội trong quá trình phá án. Vậy mà những vụ án oan do nhân viên công vụ cố gắng quá sức vẫn cứ nhan nhản.
(Xem thêm: Nói gì về ấu dâm bây giờ?)
Ở Việt Nam, có một thực tế mà mọi người biết nhưng lúc cần phải đổ lỗi thì làm ngơ: đó là lực lượng điều tra có kỹ năng yếu kém. Đó đơn giản là vì quá trình phát triển khoa học kỹ thuật hình sự của ta quá kém.
Ở mặt khác, một số nhân viên công vụ sẵn sàng đánh đập, ép cung người bị bắt. Ông Chấn chẳng hạn, tới lúc hung thủ ra đầu thú thì chuyện ông bị ép cung mới rõ ràng. Vậy mà lúc ông bị công an dẫn đi thực nghiệm hiện trường, đâu có ai chịu nghĩ tới chuyện đó.
Hay như quá trình điều tra vụ án này chẳng hạn, đã có "phong trào" tố cáo các "hành vi tình dục bất thường" để rồi bao nhiều người đàn ông góa vợ, vợ đi xuất khẩu lao động, hay bị đồn là có tính trăng hoa đều bị nghi vấn... Đây là một trong những điều cấm kị lớn nhất của quá trình phá án.
Nó mặc định là kẻ thủ ác phải ở trong thôn, là kẻ đó phải có quá trình phạm tội tình dục từ trước, là những hành vi tình dục lệch lạc đó tất có người biết, là hễ ai có hành vi tình dục bị cho là lệch lạc thì nhất định sẽ giết người và hãm hiếp trẻ nhỏ...
Khi một loạt những mặc định không căn cứ ra đời và việc kết tội dựa vào "bỏ phiếu kín", thì lực lượng điều tra đã bất lực tới đáng thương. Để giải quyết sự bất lực thảm hại này thì việc có người sẵn sàng "hy sinh" một kẻ bị tố là hãm hiếp hai mẹ con nhà hàng xóm là rất dễ hiểu. Nhưng việc hai mẹ con đó có bị hãm hiếp hay không thì chẳng ai buồn hỏi tới.
(Xem thêm: Ai bảo vệ trẻ em khỏi nạn ấu dâm?)
Những sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra là căn cứ để xóa bỏ bản án mà pháp luật đã tuyên. Cái quá trình đi tìm sự thật đó đã bị những người tham gia phá án ngày nào phá nát. Những người lẽ ra phải bị truy cứu trách nhiệm là những "nhà điều tra" ngày trước. Nhưng làm vậy thì khó quá, ai lại đi điều tra những người quá mẫn cán mà làm oan sai người khác bao giờ? Họ có muốn vậy đâu?
Nỗi khổ đau vì bị án oan sai là rất lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người bị oan mà cả gia đình của họ. Nỗi đau đó không chỉ là vật chất, nó còn mang tới một hậu quả là tai tiếng cho cả gia đình. Gia đình bị hại tất nhiên rất đau khổ, nhưng họ đâu có nghĩ tới chuyện gia đình họ đâu có bị tiếng xấu vì tội lỗi của người khác.
Tâm sự của vợ ông Hàn Đức Long về buổi xin lỗi bị gây rối
Quá trình pháp luật được đặt ra để tìm kẻ ác mà trừng phạt, làm gương, nhưng nó còn một tác dụng khác: những kẻ phạm tội sẽ được đưa vào tù để chúng không làm hại người khác.
Khi những người thân của cháu gái bị hại xông vào đánh cán bộ, không biết họ có nghĩ tới các cháu gái khác hay không? Kẻ thủ ác ngày nào rất có thể vẫn còn lang thang đâu đó, thậm chí là ở bên cạnh họ, và không biết là có ai bị nạn thêm không? Cái thói quen đổ lỗi làm họ mất cả khôn.
Nhiều người chỉ tôn trọng pháp luật khi pháp luật diễn ra như ý muốn của họ. Ngày ông Hàn Đức Long bị kết án tử hình, hẳn có nhiều người ca ngợi sự sáng suốt của pháp luật. Và chắc những người đó cũng xông vào đánh đấm người khác khi pháp luật giải oan cho ông. Cái mâu thuẫn đó rất thường gặp.
Rồi cả dư luận của xã hội vào cuộc. Một số người vào cuộc bằng cách thi nhau "phá án" qua những chi tiết vụ án được các phương tiện truyền thông đăng tải để đi tới kết luận về chuyện ông Hàn Đức Long có tội hay không, rồi từ đó ủng hộ hay phản đối thái độ của người nhà nạn nhân.
Những người này cũng như người nhà nạn nhân đã quyết trở thành người thực thi "công lý". Cái thói quen "tự xử" này vốn đã nguy hiểm, nhưng khi nó lan sang cả những vụ án hình sự thì hậu quả là nhiều án hình sự nữa sẽ còn tiếp diễn.
>> Xem thêm: Huỳnh Văn Nén 'qua ngày buồn là muôn vạn ngày vui'
Video được xem nhiều: Những 'bóng ma' khiến tài xế ôtô sởn tóc gáy
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.