Tôi sinh sống và làm việc ở quận 5, TP HCM. Nhiều năm trước, mỗi lần về quê tôi phải lặn lội ra bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh.
Đến đó, tôi phải mua vé, ngồi chờ. Từ chỗ của tôi qua bến xe cũ đã thấy rất xa rồi, bây giờ phải đi tận 20km ra bến xe mới ở Thủ Đức thì tiền đi taxi hơn cả tiền vé xe.
Hôm rồi tôi có việc gấp phải bắt taxi công nghệ vào lúc buổi chiều ra bến xe Miền Đông mới, tiền cước là gần 380 nghìn đồng, tôi đưa hai tờ 200 nghìn đồng và không lấy tiền tip, như vậy là tốn mất 400 nghìn đồng. Chỉ riêng tiền đi taxi ra bến xe đã tương đương tiền vé xe.
Ấy là do có việc gấp nên tôi mới như vậy, nếu đi có kế hoạch trước cả tuần thì tôi chỉ cần gọi điện cho các nhà xe có bến trong trung tâm, họ sẽ cho xe trung chuyển đến rước tận nhà. Mà hầu như bây giờ ai cũng chọn lựa giống tôi. Chỉ cần nhấc điện thoại, alo cho nhà xe là có vé và được đưa rước tận nơi.
Như vậy, ai ra bến xe mới làm gì? Vậy nên tôi không lạ việc bến xe này vẫn ế mấy năm nay và việc gần 300 chuyến xe không hoạt động ở bến Miền Đông mới như kế hoạch khiến lượng khách nơi đây chưa như kỳ vọng sau khi có thêm 79 tuyến dời về.
Việc quy hoạch và xây dựng bến xe mới ở ngoài trung tâm thành phố là đúng đắn. Tuy nhiên, điều bất lợi duy nhất cho đến thời điểm này là tính kết nối với trung tâm còn rất hạn chế vì hành khách ra bến xe thường khệ nệ hành lý nên khó đi xe buýt, xe ôm.
>> 'Một xe buýt giúp giảm 161 ôtô'
Tôi nghĩ, việc đầu tư một số tiền lớn để xây một bến xe lớn nhất nước thì nó phải hoạt động thật nhộn nhịp để không lãng phí. Để có được điều đó thì cần phải:
Một, mạnh tay dẹp hết các bến cóc của các nhà xe trong nội thành. Những nơi này thường khá lộn xộn về giao thông. Con đường nhỏ hẹp nhưng xe khách ra vào đón khách liên tục thì rất nguy hiểm.
Hai, tăng tính kết nối cho bến xe mới để người dân thuận tiện đi lại. Mà điều này có lẽ trông cậy vào tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên mà thôi.
Tuấn Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.