"Nhà tôi bốn người, nếu đi bằng máy bay thì tổng chi phí gần 30 triệu đồng, còn đi tàu thì không mua được vé.
Thế nên, nhà tôi quyết định thuê ôtô tự lái với chi phí thuê xe 10 ngày khoảng 12-15 triệu, cộng thêm tiền xăng thì tổng cộng hết tầm 20 triệu đồng. Đi như vậy về quê có xe để chủ động đi lại, tiện thể du lịch".
Độc giả Tin Hoang cho biết kế hoạch thuê ôtô tự lái về quê ăn Tết như trên, sau bài viết Vé máy bay Tết Ất Tỵ bán chậm. Theo đó, còn hơn hai tháng đến Tết nhưng thị trường vé máy bay khá trầm lắng, nhiều chặng bay bận rộn mọi năm vẫn còn vé.
Độc giả Ngô Xuân Văn nêu bốn lý giải:
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này:
1. Giá vé máy bay và tàu vẫn cao.
2. Tình hình kinh tế còn khó.
3. Sau dịch, một lượng lớn lao động đã chuyển ra Bắc làm việc, dịch chuyển nguồn nhân lực từ Nam ra Bắc.
4. Số lượng xe cá nhân của các gia đình ngày càng tăng. Đối với một gia đình từ 4-6 người, chi phí tự lái xe từ TP HCM ra Hà Nội rẻ hơn nhiều so với đi máy bay hoặc tàu".
Lý do thứ tư được nhiều độc giả lựa chọn:
"Tôi tự lái từ Sài Gòn ra Ninh Bình, tổng chi phí hết khoảng 1,6 triệu tiền xăng và 1,2 triệu tiền phí cầu đường. Trên đường, gia đình nghỉ ngơi ăn uống một đêm tại một thành phố, sáng hôm sau tiếp tục hành trình, đến nơi vào khoảng 11 giờ đêm. Giờ đi cao tốc rất nhanh và tiện lợi, vừa khỏe vừa tiết kiệm chi phí, lại được ngắm cảnh đất nước tuyệt đẹp dọc đường", 1990vanhien.
"Nhà tôi có bốn người, nếu đi máy bay từ TP HCM ra Hải Phòng và thêm tiền xe đưa đón hai chiều ra sân bay thì tổng chi phí lên đến 31 triệu. Vì vậy, tôi quyết định tự lái xe về quê, dự tính chi phí chỉ khoảng 10 triệu, bao gồm xăng, phí cầu đường và ăn uống.
Số tiền tiết kiệm được còn dư để biếu cha mẹ và lì xì các cháu. Tuy hơi mệt nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc này tiết kiệm được đáng kể", nangtoan1975.
Không chỉ các đại lý, chính các hãng hàng không cũng cảm nhận rõ sức mua suy giảm. Các hãng đều cho biết, số vé bán ra chậm hơn so với mọi năm. Giá vé năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí đầu vào leo thang và nguồn cung tàu bay hạn chế.
Độc giả Lão Tôn nói: "Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá vé máy bay tăng cao gấp 3-4 lần so với xe khách giường nằm, nhiều người đã chọn đi xe khách. Chưa kể, tình trạng trễ chuyến bay vào cuối năm là một nỗi ám ảnh đối với hành khách. Đi máy bay cho nhanh nhưng từ Sài Gòn về Đà Nẵng có khi cũng mất đến 8-10 tiếng, thành ra chẳng nhanh hơn là bao".
"Giá vé máy bay cao, nhiều người chọn các phương tiện khác nếu không quá cấp bách về thời gian, bởi giờ đây đã có nhiều tuyến cao tốc xuyên suốt từ Nam ra Bắc cùng với các loại xe giường nằm chất lượng cao mà giá lại rẻ hơn.
Chưa kể, tuyến đường sắt giờ cũng có toa giường nằm máy lạnh mát mẻ và giá vé khá hợp lý. Đi các phương tiện này, hành khách vừa có thể ngắm cảnh đẹp dọc đường, vừa được thưởng thức những món ăn đặc trưng của từng vùng miền, an toàn và tiết kiệm hơn đi máy bay nhiều", độc giả nickname gh956264 bình luận.
Thời gian này mọi năm, nhiều chặng bay đã hết vé từ sớm. Nhưng khảo sát năm nay cho thấy lượng dồi dào, chỉ một vài chặng bay trong ngày cao điểm mùng 4 và 5 tháng Giêng Âm lịch mới ghi nhận tình trạng hết vé tạm thời. Các đường bay "vàng" như TP HCM - Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh vẫn còn vé với giá khứ hồi dao động từ 5,7 đến 7,4 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí). Các tuyến đi miền Trung như TP HCM - Chu Lai, Huế, Đồng Hới chỉ hết vé trong ngày mùng 4, 5 Tết (1 và 2/2). |
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết kế hoạch về quê ăn Tết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp