Tôi năm nay 79 tuổi, đang sống tại Thụy Sĩ, trước đây đã có sáu năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản. Theo dõi thông tin về mức xử phạt giao thông mới tại Việt Nam và những phản hồi từ dư luận, tôi muốn chia sẻ một vài ý kiến.
Đầu tiên tôi muốn kể một câu chuyện giao thông mà bản thân từng trải qua tại Nhật Bản. Câu chuyện này không chỉ là bài học cá nhân mà còn phản ánh cách xử lý giao thông nghiêm khắc, khiến tôi nhớ mãi, có cho vàng tôi cũng không dám tái phạm.
Một lần tôi lái ôtô đến thăm bạn, đậu xe sát lề đường ở một con phố nhỏ và khá vắng vẻ thuộc ngoại ô thành phố. Tôi nghĩ rằng chỉ ghé vào một chút nên không chú ý kiểm tra các biển báo.
Khi quay lại sau 15 phút, tôi thấy trên kính xe có một tờ giấy phạt từ cảnh sát, ghi rõ rằng tôi đã đậu xe ở nơi không được phép, cách bảng cấm đỗ khoảng 50 mét. Tôi bị phạt khoảng 50 USD, khá nặng vào thời điểm năm 1978.
Giấy phạt yêu cầu tôi trong vòng ba ngày phải đến cơ quan cảnh sát giao thông ở phía Nam thành phố vào đúng 10 giờ sáng để nộp phạt.
Điều đáng chú ý là tôi sống ở phía Bắc, nên để tuân thủ yêu cầu này, tôi phải tự sắp xếp thời gian và phương tiện để đi đúng nơi được chỉ định.
Tôi phải xin phép nghỉ làm buổi sáng, đến nơi đóng phạt lúc khoảng 9h30 và ngồi chờ, vì cũng có những người khác được hẹn đến trước tôi đang làm việc với cô cảnh sát.
Khi đến cơ quan cảnh sát vào giờ hẹn, tôi gặp cô cảnh sát đã ghi giấy phạt cho mình. Cô ấy nhắc lại rằng đã yêu cầu di chuyển xe qua loa phát thanh nhưng tôi không làm theo, dẫn đến việc bị xử phạt.
Trước khi đóng phạt, tôi được cô ấy giải thích thêm về luật giao thông dưới dạng một bài học thực tế. Điều này khiến tôi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian nghỉ làm, lại phải chi phí cho việc di chuyển. Bài học này không chỉ khiến tôi nhớ suốt đời mà còn dạy tôi rằng việc tuân thủ luật giao thông không chỉ để tránh bị phạt, mà còn là sự tôn trọng cộng đồng và kỷ luật cá nhân.
Từ câu chuyện cá nhân, tôi cho rằng các biện pháp xử lý giao thông tại Nhật Bản có tính giáo dục cao và thực sự nghiêm khắc. Điều này có thể là bài học tham khảo cho Việt Nam trong bối cảnh giao thông còn nhiều bất cập.
Chúng ta cần áp dụng những hình phạt mang tính răn đe thực sự, kết hợp với giáo dục để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ. Những hình phạt không chỉ dừng lại ở việc nộp tiền mà có thể là lao động công ích, học lại luật giao thông, hoặc các biện pháp khác để người vi phạm nhận thức sâu sắc hơn về lỗi của mình.
Tình trạng giao thông tại Việt Nam hiện nay rất đáng báo động, từ việc thiếu ý thức tuân thủ luật lệ đến sự phát triển quá mức của xe máy. Cảnh tượng nhiều người chen chúc, lấn làn, không tôn trọng vạch qua đường hay đua xe trái phép đã khiến bộ mặt giao thông trở nên lộn xộn, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
Việc tăng mức phạt là cần thiết, nhưng cần thực hiện kiên quyết, đồng bộ và lâu dài để tạo thành thói quen tốt trong ý thức cộng đồng.
Có thể có những bất tiện ban đầu vì mức phạt cao hay sự bất tiện trong thay đổi thói quen, nhưng đó chỉ là giai đoạn tạm thời. Một khi các biện pháp nghiêm khắc được duy trì, họ sẽ tự điều chỉnh để thích nghi, và giao thông sẽ dần cải thiện
Nếu chúng ta kiên trì thực hiện, giao thông Việt Nam sẽ trở nên văn minh và an toàn hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội.
Ngoc Ruan Vu