![]() |
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: TT. |
- Ông từng làm việc nhiều nơi ở cấp cơ sở. Quá trình đó có giúp ông nhiều trong điều hành công việc mới này không?
- Tôi đã làm thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên cũng có những kinh nghiệm và kiến thức nhất định về lĩnh vực kinh tế, điều hành sản xuất, dịch vụ. Khi về làm chủ tịch tỉnh Hà Tây, rồi sau đó là bí thư tỉnh Lạng Sơn giúp tôi tiếp cận thực tế rất tốt để hoạch định chính sách cho địa phương. Có thể nhờ đó, khi hoạch định chiến lược phát triển ngành với tư cách bộ trưởng Bộ Công thương hay khi cần tham mưu cho Chính phủ hoạch định chính sách, tôi có thể sẽ có những ý kiến sát với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi hơn để chính sách dễ đi vào cuộc sống. Một kinh nghiệm nữa, tôi thấy làm công tác điều hành ở đâu thì công tác cán bộ cũng rất quan trọng. Nếu làm tốt công tác cán bộ thì công việc sau này sẽ thuận lợi hơn, bằng không thì ngược lại.
- Ông sẽ tập trung vào những vấn đề gì lớn trong nhiệm kỳ của mình?
- Về mảng công nghiệp, sản xuất sẽ tìm mọi cách nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và qua đó là cả năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Còn mảng thương mại, sẽ tập trung để VN tận dụng được cơ hội và hoàn thành tốt các cam kết quốc tế.
- Cụ thể, ông sẽ làm ngay những việc gì hoặc tập trung khắc phục những hạn chế nào, phát huy thế mạnh nào ngay trong thời gian tới?
- Đó là sản xuất và lưu thông phải có sự kết hợp, nếu tổ chức tốt sẽ khắc phục được nhiều điểm chưa mạnh thời gian qua. Thời gian tới, để các ngành phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển thì cần xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Vai trò của Nhà nước ở lĩnh vực này nên cao hơn để định hướng tốt hơn cho sản xuất cũng như làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ sản xuất trong nước. Đúng như nhiều người nói, chúng ta sẽ phải tìm, mở rộng thị trường trước để định hướng, phát triển sản xuất chứ không phải sản xuất rồi mới đi tìm thị trường. Phải làm sao để sản xuất và thị trường gắn bó, liên hệ với nhau chặt chẽ hơn nữa, thị trường phát triển sản xuất nhưng sản xuất cũng phải tính toán để làm sao sẽ góp phần củng cố thị trường.
- Về công việc, ông có chịu áp lực gì không?
- Công việc nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Tôi đã quen rồi. Làm việc mà chỉ nghĩ thuận lợi mới làm thì không phát triển được. Khó khăn sẽ có nhưng việc gì cũng có thể có hướng giải quyết.
- Việc sáp nhập hai bộ lại, tập trung vào làm chính sách sẽ dôi ra nhiều người. Nhưng bỏ những người không làm gì cả ra khỏi bộ máy không dễ. Đây có thể cũng là việc khó khăn. Ông sẽ ứng xử như thế nào?
- Sau sự sáp nhập là sắp xếp, phân công. Quan điểm của tôi là không để xảy ra việc sắp xếp cơ học thuần túy, “một cộng một bằng hai trong một”. Sẽ phải có tinh gọn ở những chỗ, những nơi nhất định tùy theo mức độ công việc. Những chỗ không cần thì dứt khoát phải thu gọn bộ máy, tập trung đào tạo lại phục vụ cho những công việc cần người hơn.
Tuy nhiên cũng thừa nhận rằng có một bộ phận công chức “ngồi chơi xơi nước” là một thực tế. Theo tôi, phải đề cao nguyên tắc lấy công việc làm đầu. Từ công việc mới tính đến bộ máy, con người sao cho phù hợp. Với những người không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc những vị trí không còn cần thiết, tôi nghĩ cứ giải quyết công tâm thì sớm muộn cũng sẽ được ủng hộ. Tốt nhất những người này - nếu có - tự nhận thức được, xin rời vị trí. Với cương vị lãnh đạo, nếu việc sắp xếp hợp lý rồi nhưng vẫn có khó khăn thì cũng sẽ phải có biện pháp. Nếu vì công việc, vì sự phát triển thì việc đối đầu với những khó khăn tôi luôn sẵn sàng, không ngại gì cả. Tất cả vì mục tiêu làm sao để Bộ Công thương nâng cao được chất lượng đội ngũ.
- Bộ trưởng vừa nhậm chức. Ông có hứa gì với dân không?
- Để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước luôn đòi hỏi một bộ trưởng phải hành động. Cá nhân tôi xin nói sẽ cố gắng hết sức, sẽ bắt nhịp công việc và sẽ điều hành Bộ Công thương hoạt động hiệu quả. Tôi sẽ là bộ trưởng hành động.
- Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp từng có hàng trăm doanh nghiệp trực thuộc. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có gửi gắm lại cho ông rằng việc quan trọng hàng đầu là cải cách hành chính và bỏ cơ chế chủ quản. Ông nghĩ thế nào?
- Bỏ cơ chế chủ quản là xu hướng tất yếu, bản thân tôi khi nhậm chức đã nghĩ sẽ tiếp tục làm và cố gắng đẩy tốc độ nhanh hơn nữa. Quan điểm của tôi từ khi còn ở địa phương là các bộ nên tập trung vào làm chính sách. Nhiều người cũng hỏi “Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại từng chủ quản hàng trăm doanh nghiệp rất lớn, bỏ đến bao giờ cho hết?”. Theo tôi, quyết tâm làm sẽ không lâu. Cơ quan bộ kiên quyết không can thiệp vào kinh doanh, mọi việc sẽ dần vào nếp.
Có thể cơ chế chủ quản thời gian qua đã đem lại lợi ích cho một số cán bộ. Việc bãi bỏ nhanh, quyết liệt có thể sẽ gặp một số quan điểm, cách làm chưa thống nhất nhưng tôi nghĩ mọi người đều đã nhận thức được xu hướng tất yếu và việc này có lợi cho nền kinh tế. Đã có lợi cho nước, cho dân thì phải kiên quyết đối mặt với khó khăn, những điều chưa thuận lợi để làm thôi.
(Theo Tuổi Trẻ)