Ông Chandrakant Taneja, chồng bà Komal Taneja, tử vong tại nhà sau khi gia đình trả 200 USD cho một bình oxy tìm được trên mạng.
"Chúng tôi cố gắng tìm giường bệnh suốt một tuần. Hai bệnh viện tư nhân yêu cầu cọc trước một triệu rupee", bà Taneja chia sẻ. "Sau đó, chúng tôi tìm được một người. Người này hứa sẽ giao bình oxy trong một tiếng nếu chúng tôi trả 15.000 rupee". Một triệu repee tương đương 13.800 USD, 15.000 rupee khoảng 200 USD.
Chiếc bình không hề được mang tới. Ông Taneja qua đời ngày 1/5, bỏ lại người vợ đang tìm việc làm để chăm sóc cha mẹ ốm yếu.
Những vụ lừa đảo táo tợn, cả trong nước và xuyên biên giới, không hiếm thấy trong lịch sử Ấn Độ. Tội phạm lợi dụng dân thường trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Tháng 12, cảnh sát đã phá đường dây lừa đảo 14 triệu USD, nhắm đến 4.500 người Mỹ.
Đại dịch đạt đỉnh, tội phạm chuyển hướng sang bệnh nhân và gia đình người nhiễm nCoV, vốn tuyệt vọng trước thảm cảnh Covid-19. Narang, giám đốc điều hành công ty tư nhân ở Noida, cho biết đã bị lừa khi đang săn lùng máy tạo oxy cho một người bạn mắc bệnh.
"Tôi tìm được một nhà cung cấp có vẻ chính hãng, thậm chí họ có danh mục các mẫu mã khác nhau. Giá cả cũng rất cạnh tranh. Tôi gọi cho một người, hắn yêu cầu trả góp 45.000 rupee, chia làm hai lần. Tôi cứ nghĩ đó là hàng thật, thậm chí giới thiệu cho một người quen khác", anh kể lại.
Cuối cùng, thiết bị không bao giờ được chuyển đến.
Narang chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của 600 vụ lừa đảo đang được cảnh sát New Delhi điều tra. Tất cả đều tuyệt vọng tìm kiếm bình oxy, giường bệnh hoặc thuốc điều trị.
"Tội phạm coi đây là thời điểm vàng để thực hiện hành vi", cảnh sát cấp cao của thành phố, ông Shibesh Singh, cho biết.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều kẻ lừa đảo, bao gồm băng nhóm sản xuất và bán thuốc Remdesivir giả với giá gấp 40 lần giá niêm yết.
"Các lọ thuốc giả mất 20 rupee để làm ra, được bán 10.000 rupee trên thị trường", ông Singh nói.
Có băng nhóm đã sơn lại bình cứu hỏa, bán chúng dưới dạng bình oxy. Băng nhóm khác đóng giả làm bác sĩ để chào mời giường bệnh.
Tuần này, 6 nghi can bị bắt giữ vì hành vi giặt, đóng gói và bán lại hàng tấn găng tay phẫu thuật đã qua sử dụng từ bệnh viện.
Singh cho biết: "Chúng tôi chỉ có thể kêu gọi mọi người thận trọng hơn khi tìm sự giúp đỡ trên mạng".
Nhiều nạn nhân yêu cầu chính phủ thực hiện các biện pháp cứng rắn.
"Tử hình kẻ xấu. Nếu không, chính phủ cần đảm bảo tất cả lĩnh án chung thân. Đây không chỉ là tội phạm tinh thần hay tài chính, chúng đang chơi với tính mạng con người", Narang nói.
Thục Linh (Theo AFP)