"Hôm trước tôi làm cái bậc dốc để xe chạy xe vào nhà. Để xe dễ chạy vào thì dốc phải là 15 độ. Mấy ông thợ sắt cứ loay hoay không biết tính sao ra 15 độ. Tôi chỉ cần cao độ của bậc cửa và dùng hàm lượng giác tan alpha là xong".
Độc giả Lee Hung dẫn chứng ứng dụng kiến thức Toán học vào thực tế như trên, sau bài viết Loay hoay chia số Pi để đo đường kính gỗ làm cột nhà.
Ở bài viết này, một độc giả chia sẻ câu chuyện 46 năm trước, đi rừng tìm cây gỗ làm cột nhà. Những người quen việc đo chu vi cây bằng dây và tính nhẩm đường kính dễ dàng, trong khi nhóm từ phố thị lại lúng túng, không có dụng cụ đo hay cách tính chính xác.
Trong khi đó, độc giả Thanh Bùi cho rằng lý thuyết và thực tế gia công có độ chênh, nên nhiều thợ làm theo kinh nghiệm "ướm thử":
"Chẳng có nhà nào các vật thế, hình khối được thợ nề làm chuẩn theo tỷ lệ các dạng hình học, nên tất cả thợ cơ khí khi làm cửa sắt chẳng hạn đều phải đo mực để đảm bảo cánh cửa vừa khít với ô cửa.
Còn nữa, với những thợ không chuyên hay xưởng nhỏ, không thể đầu tư những máy móc đắt tiền có thể gia công chính xác, giúp tiết kiệm thời gian công sức và vật liệu, nên cách làm của ông thợ đó là hợp lý, chỉ người trong nghề mới hiểu được. Biết là một chuyện, làm được là chuyện khác".
*Theo bạn, làm thế nào để tính được góc 15 độ khi làm cầu thang dắt xe?
Thành Đô tổng hợp