Chị Thu Linh, 27 tuổi, quê Hải Phòng, đã lấy chồng Hàn Quốc 4 năm. Hiện anh chị đã có một bé trai xinh xắn hơn 3 tuổi và có cuộc sống hạnh phúc tại thành phố Yeosu. Chị Linh kết hôn với chồng, một kỹ sư công nghệ 42 tuổi qua môi giới tại Việt Nam. Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình cưới chồng Hàn:
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng ngoại quốc, cũng không có ý định đến tham gia buổi gặp mặt môi giới nào cả. Tôi không tin vào những mối tình không có yêu đương. Ngày ấy, tôi mới chỉ là cô gái 23 tuổi, ngày ngày đi làm công nhân tại một công ty, tối về đi chơi với bè bạn, trong đầu không hề có ý định sẽ lấy chồng sớm. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ thử cho vui 3 năm trước đã cho tôi gặp anh.
Hôm đó, tôi đang đi chơi Noel cùng bạn bè, thì một người cô gọi điện, nhờ tôi đến gặp một anh chàng Hàn Quốc, vì cô có nhiệm vụ phải tìm người cho buổi môi giới đó. Cô năn nỉ và nói tôi chỉ cần đến một chút thôi vì cô đang thiếu người, tôi đến rồi nếu không thích cũng không sao. Cũng hơi tò mò một chút nên tôi bỏ dở cuộc đi chơi với bạn.
Đó là một quán cà phê khá lịch sự. Khi tôi đến thì có 6-7 người con gái ngồi đó, họ đã nói chuyện xong, tôi là người đến cuối cùng. Tôi đến nói chuyện với anh (chồng tôi bây giờ) tại một cái bàn khác. Bên cạnh có người phiên dịch, giám đốc bên công ty môi giới ở Việt Nam và Hàn Quốc nữa.
Tôi chào hỏi mọi người, sau đó người ta giới thiệu nghề nghiệp, tên tuổi của anh. Sau khi cả hai bên giới thiệu sơ qua về bản thân, tôi liền hỏi anh một tràng dài: Tại sao lấy vợ Việt Nam? Anh nghĩ thế nào khi văn hóa phong tục hai nước khác nhau? Nếu lấy vợ trẻ, suy nghĩ thoáng, anh có hiểu và theo được không?... Anh có vẻ rất bất ngờ khi tôi hỏi nhiều quá nhưng rất bình tĩnh, từ tốn trả lời từng câu.
Tôi hỏi gì anh cũng nói "Dạ vâng, anh sẽ cố gắng"... Thấy anh dễ thương, lại chín chắn nên tôi có cảm tình ngay, trong đầu không còn ý niệm là anh đang đi chọn vợ. Sau khi nói chuyện xong, tôi đi ra ngoài ngồi chờ. Một lúc sau người phiên dịch đi ra và nói anh muốn lấy tôi. Họ hỏi xem ý tôi thế nào, có muốn hỏi hay thắc mắc gì người ta sẽ dịch giúp. Tôi lại lên gặp anh một lần nữa. Lúc này, anh hỏi tôi có muốn cưới anh không, rồi nói về đám cưới, về những gì sẽ diễn ra vài ngày tới...
Tôi nói phải về nhà hỏi bố mẹ đã, nếu gia đình đồng ý tôi sẽ chấp nhận anh. Tôi vẫn ra điều kiện như vậy dù trong lòng đã cảm mến anh. Nhìn vào ánh mắt, nghe từng lời anh nói, tôi cảm nhận được đây là một người đàn ông chín chắn, chân thành. Mọi thứ đều diễn ra rất lịch sự, không hề có chuyện ép buộc hay xâm phạm thân thể như nhiều người nói... Tôi hoàn toàn có quyền từ chối nếu tôi không thích.
Sau đó, anh về chào hỏi gia đình tôi. Mọi người đều bất ngờ nhưng tôn trọng ý kiến của tôi. Hôm sau, chúng tôi có gặp nhau, nhưng chỉ là cho quen thôi chứ không nói nhiều. Lúc đó anh vẫn nói tôi có thể suy nghĩ kỹ, nếu bây giờ tôi từ chối cũng không sao, anh không bắt buộc. Chính những câu này khiến tôi càng đặt lòng tin vào anh hơn. 3 hôm sau ngày gặp mặt, đám cưới được tổ chức. Mọi thứ đều do công ty môi giới giúp thực hiện. Bố mẹ anh già cả nên không sang được.
Sau này tôi mới biết, để có thể tổ chức "buổi tuyển vợ" đó, anh phải bỏ ra 15.000 đôla (gồm tiền cho công ty môi giới và lo các giấy tờ cho vợ sang Hàn). Còn tiền tổ chức đám cưới, sắm sửa các lễ, tiền cho nhà gái rồi mấy tháng tôi ở Việt Nam chờ visa, anh phải bỏ ra thêm. Cách đây 3 năm là giá đó, còn theo tôi biết bây giờ đã tăng lên kha khá.
Sau đám cưới, anh về trước, còn tôi ở lại hoàn tất các thủ tục giấy tờ, visa, bảo lãnh rồi anh đón sang sau. Thời gian đó, chúng tôi liên lạc qua điện thoại, Facebook... Anh vẫn nhắn tin hỏi thăm tôi mỗi ngày. Nhưng tôi bắt đầu thấy lo lắng, không biết cuộc đời mình sẽ ra sao, anh sẽ đối xử với tôi thế nào, lỡ có chuyện gì nơi đất khách quê người tôi biết phải gọi ai... Lúc nào tôi cũng trong trạng thái phân vân, liệu có nên trả lại tất cả... Đọc trên báo, thấy nhiều cô dâu Việt lấy chồng Hàn khổ lắm, bị lừa, về nhà phải làm như osin, bị đánh đập... tôi bồn chồn không yên. Nhưng rồi cuối cùng vẫn liều mình đưa chân theo anh sang đất nước xa lạ.
Sang Hàn, lúc đầu lạ nước lạ cái, đi đâu tôi cũng phải có anh bên cạnh. Chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Anh bập bõm và hành động là chủ yếu. Sau đó tôi đăng ký học lớp tiếng Hàn. Khoảng một tháng, tôi và anh đã nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ này. Lúc đầu bập bẹ nhưng sau đó vốn tiếng của tôi phát triển nhanh do có môi trường. Sau đó, tôi mang bầu và ở nhà sinh con, mọi chi phí gia đình mình anh lo liệu hết.
Chồng tôi giống như đại đa số đàn ông Hàn, đi làm ở công ty rồi về nhà, không la cà rượu chè. Cứ về nhà anh lại giúp tôi chăm con, làm việc nhà chia sẻ với vợ. Anh rất tâm lý, tôn trọng ý kiến của tôi. Anh còn mở giúp tôi một quán kinh doanh internet để tôi làm khi rảnh rỗi. Giờ nghĩ lại tôi thấy bản thân mình may mắn khi lấy được một người chồng tốt, yêu thương vợ con và chăm lo cho gia đình.
Mỗi năm anh lại đưa vợ con về Việt Nam thăm gia đình ngoại, còn đón bố mẹ tôi sang chơi... Đến giờ tôi vẫn nghĩ mọi chuyện đến với mình như một giấc mơ. Tôi đã quá may mắn khi kiếm được chồng nhờ lần môi giới ấy. Một số bạn bè tôi lấy chồng Hàn cũng có cuộc sống khá ổn định.
Nhưng tôi không có ý định cổ vũ cho các bạn trẻ hay ai có ý định kiếm chồng qua những buổi gặp mặt như vậy. Vì tôi biết, không phải ai cũng gặp được một người chồng tốt. Ngoài kia, vẫn còn nhiều phụ nữ Việt đang phải chịu khổ trong những gia đình Hàn khi lấy phải ông chồng vũ phu, hay lấy vợ về chỉ để sinh con, làm việc nhà... Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ không nên đánh cược cuộc đời mình vào "trò chơi tình ái" môi giới, dù tôi từng liều quyết định như vậy...
Thu Linh
Tờ The Korea Times dẫn báo cáo của Văn phòng Di trú Hàn Quốc tháng 12/2016, số người Việt chiếm 28% trong số các cặp hôn nhân giữa người Hàn Quốc với người nước ngoài (chỉ xếp sau mức 37% của người Trung Quốc). Theo số liệu thống kê của Liên đoàn lao động UCC, hiện số cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc có khoảng hơn 50.000 người, 80% lấy chồng sống ở nông thôn. Theo khảo sát của Luật hỗ trợ gia đình đa văn hóa Hàn Quốc, khoảng 30% cuộc hôn nhân Việt - Hàn không hạnh phúc. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu thông tin về văn hóa, lối sống của đất nước, gia đình chồng của các cô dâu Việt. |