Chị Đỗ Thanh Quý sang Hàn Quốc làm việc trong một nhà máy 4 năm, sau đó kết hôn với một người chồng Hàn năm 1998. Trải qua hơn 20 năm sống tại xứ sở kim chi, chị đã có một công việc ổn định tại một tổ chức chính phủ, nói tiếng Hàn thành thục, ăn được nhiều món ăn của nước này mà trước đây chị từng "sởn da gà".
Chị kể cách đây 17 năm khi sinh con đầu lòng, gia đình nhà chồng cho chị ăn canh rong biển để tẩm bổ. Theo truyền thống đây là món ăn đặc biệt, thường nấu trong ngày sinh nhật, cho người ốm hoặc phụ nữ mới sinh xong, thế nhưng khi đó chị không ăn nổi.
"Tôi không thể chịu nổi mùi tanh tanh của món canh, đặc biệt là một vài giờ sau khi nấu xong", chị Quý cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Korea Herald.
Cuộc sống ở Hàn của chị hiện tại khá ổn định nhưng có một điều chị Quý cảm thấy hối tiếc nhất là đã không dạy con tiếng Việt Nam khi con còn nhỏ.
"Tôi từng nghĩ việc cho con học tiếng Việt đầu tiên sẽ khiến con khó khăn trong việc học, nói tiếng Hàn đúng cách. Nhưng bây giờ tôi thấy mình hoàn toàn sai lầm. Nếu con nói tiếng Việt, đó có thể là một trong những tài sản vô giá mà các con có được", chị Quý nói.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, chị Quý đã nộp đơn đến Danuri Helpline, một tổ chức giúp đỡ những người phụ nữ nhập cư tới Hàn Quốc năm 2006. Chị hiện là một trong 85 nhân viên tư vấn của tổ chức này, cung cấp nhiều thông tin, hỗ trợ cho các phụ nữ nhập cư đến Hàn bằng 13 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt Nam và Trung Quốc.
Chị Quý cho hay hầu hết những nhân viên tư vấn tại chỗ chị làm cũng đều là các cô dâu nhập cư như chị. Họ nhận các cuộc gọi từ những phụ nữ đồng hương. Chị tiết lộ 38,5% những người gọi đến đường dây nóng này đến từ Việt Nam.
Qua công việc của mình, chị Quý có thể chia sẻ với họ nhiều chuyện để họ không lặp lại sai lầm mà chị từng mắc phải: "Tôi luôn nói với những cô gái đồng hương rằng họ nên nói chuyện với con mình bằng tiếng Việt ngay khi bé đang ở trong bụng mẹ. Cơ hội giao tiếp với con cái bằng tiếng mẹ đẻ là một điều thiêng liêng, không bao giờ nên bỏ cuộc".
Không chỉ nhận được yêu cầu nhờ giúp đỡ từ những người vợ nhập cư, tổ chức của chị Quý làm còn nhận nhiều cuộc gọi từ các ông chồng Hàn. Đôi khi họ gọi điện đến chỉ là hỏi cách dịch vài câu cho vợ hiểu như: "Cô làm ơn nói với vợ tôi rằng chúng tôi sẽ tới bệnh viện vào lúc 9 giờ sáng được không?"...
Chị Quý cho hay, có không ít ông chồng Hàn gọi điện đến để phàn nàn rằng cô vợ Việt của mình thường lấy nhiều tiền của họ để gửi cho bố mẹ ở quê nhà.
"Tôi nghĩ rằng đó là một trong những sự hiểu lầm lớn nhất chồng Hàn Quốc về phụ nữ Việt Nam. Đầu tiên họ cần phải hiểu rằng ở Việt Nam, con gái khi đã lấy chồng không bắt buộc phải hỗ trợ bố mẹ như con trai, chúng tôi làm vì đạo lý thôi. Những gì phụ nữ cần đâu phải chỉ là tiền", chị Quý nói.
Đồng nghiệp của chị Quý, chị Kim Soo-yeon, chuyển đến Hàn Quốc năm 2004 sau khi cưới một người chồng Hàn. Chị Kim là người gốc Hàn nhưng trước đó sống ở Trung Quốc. Thời gian đầu mới sang, chị Kim cũng gặp những khó khăn trong việc ăn uống giống như chị Quý từng trải qua.
"Thức ăn là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những xung đột giữa tôi và chồng trong những năm đầu chung sống. Vì thế tôi hiểu những phụ nữ mới đến Hàn sẽ trải qua việc đó khó khăn thế nào. Tôi vẫn chưa nấu đồ ăn Hàn thuần thục nhưng chồng chỉ muốn con tôi ăn đồ Hàn thôi. Hãy tưởng tượng xem, việc đó sẽ thế nào đối với một phụ nữ đến từ Mông Cổ, khi họ chưa từng ăn hải sản trước khi đến đây", chị Kim chia sẻ.
Mặc dù Hàn Quốc đã chính thức triển khai chiến dịch dạy song ngữ cho trẻ em trong các gia đình đa văn hóa từ năm 2011 nhưng cả chị Kim và Quý cho biết nhiều phụ nữ di cư vẫn phải đối mặt với sự đồng hóa trong nhà chồng. Và điều này ảnh hưởng rất lớn đến con cái của họ. "Nhiều phụ nữ thường xuyên phải nghe câu 'Khi ở Rome, hãy sống như những người La Mã' (đại ý sống ở đâu phải nhập gia tùy tục ở đó), từ người chồng Hàn Quốc của họ", chị Quý cho biết.
Theo chị Kim, nhiều phụ nữ gốc Hàn đến từ Trung Quốc còn bị chồng họ yêu cầu không được nói tiếng Trung, thậm chí phải nói dối rằng họ sinh ra và lớn lên ở đây.
Chị Kim kể, nhiều ông chồng Hàn hay nói những câu khiến những người đến từ Trung Quốc như chị cảm thấy rất tự ái, ví dụ như: "Có phải tất cả phụ nữ từ Trung Quốc đều cứng đầu?".
"Ở Trung Quốc, hầu hết phụ nữ đều đi làm, những người ở nhà nội trợ hoàn toàn là rất hiếm. Khi họ thể hiện ý kiến của mình về một vấn đề gì đó, một số ông chồng Hàn lại cho đó là cứng đầu", chị Kim phân tích.
Cả chị Kim và chị Quý cho biết các ông chồng Hàn Quốc đều gia trưởng hơn so với nước mình. "Tôi vẫn bị sốc khi biết nhiều ông chồng Hàn không tham gia vào bất cứ việc gia đình nào sau khi đi làm về. Các bà vợ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chăm con cái và làm bữa ăn tối trước khi chồng về nhà một cách rất tận tụy", chị Quý kể lại.
Khi được yêu cầu đưa ra lời khuyên cho phụ nữ đang nghĩ đến việc sang Hàn Quốc, chị Kim cho biết điều quan trọng là phải thu thập càng nhiều thông tin càng tốt trước khi đưa ra quyết định. "Xin đừng quyết định chuyển đến đây sau khi xem phim truyền hình Hàn Quốc. Đừng cho rằng vấn đề của mình ở nhà sẽ biến mất khi bạn đến sống ở một nước khác", chị nói.
Tuệ Minh