Sau gần chục năm lăn lộn, cuối cùng tôi cũng tìm được công việc "tri kỷ". Sau đây là những kinh nghiệm của tôi.
1. Làm tốt mọi công việc mà mình được giao, bất kể lương là bao nhiêu và xã hội nhìn nhận công việc đó như thế nào
Mỗi công việc, dù là nhỏ nhất, sẽ dạy cho ta nhiều kỹ năng quan trọng. Ví dụ những việc tôi không ghi vào lý lịch (do chỉ làm phụ trong thời gian đi học), như làm biên dịch, thiết kế logo, phụ tá thư viện, phụ tá ở hiệu sách, chạy bàn.
hững công việc nhỏ này dạy tôi rất nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, phục vụ khách hàng, hiểu ngôn ngữ cơ thể, mà sau này dùng để xây dựng quan hệ ở các hội thảo và tìm đối tác cho các dự án nghiên cứu.
2. Biết đâu là điểm dừng
Đây là điều khó nắm bắt. Có lúc tôi bế tắc nhưng biết đó chỉ là bước lùi tạm thời. Kể cả với công việc mơ ước, có lúc tôi ghét cay ghét đắng nó. Nhưng cũng có lúc sự bế tắc là tín hiệu để suy xét lại xem công việc có phù hợp với mình hay không.
Ví dụ hai năm làm công việc đầu tiên, tôi thấy rơi vào ngõ cụt, không học hỏi thêm được gì và thấy mọi thứ dậm chân tại chỗ. Tôi không rõ là mình chỉ chán nản tạm thời hay đã đến lúc phải thay đổi. Sau đó tôi học vài khóa về mô hình và phát triển bền vững trên Coursera và EdX, thấy cực kỳ hào hứng mà suốt hai năm làm việc tôi chưa hề có cảm giác đó. Tôi quyết định thay đổi.
Làm sao để biết bỏ việc đúng lúc? Đừng bỏ việc lúc công việc không xuôi. Đừng quyết định khi bạn đang bực dọc. Hãy cân nhắc quyết định này vào một ngày đẹp trời, khi mọi thứ ở chỗ làm đều trôi chảy. Nghĩ về nó khi bạn ở nhà, khi bạn rửa bát, dành nhiều thời gian để cân nhắc.
Và nếu quyết định bỏ việc như tôi, hãy cứ làm nhân viên có trách nhiệm cho đến ngày nghỉ hẳn. Và sau đó tôi nộp đơn học cao học ở mấy trường tôi thấy trên trang Coursera.
3. Tự thay đổi (reinvent yourself) dựa trên kinh nghiệm của công việc trước đó
Như đã nói ở trên, mỗi công việc dù nhỏ nhất đều dạy cho bạn nhiều kỹ năng có ích cho công việc mới. Kết hợp kinh nghiệm từ các công việc khác nhau sẽ khiến bạn trở nên đặc biệt. Biết tận dụng kinh nghiệm cũ để giúp cho công việc mới sẽ giúp bạn trụ được trong thị trường công việc đầy biến động.
4. Nếu không biết mình thích gì cũng không sao cả
Hầu hết chúng ta đều mất nhiều năm vật vã mới biết đâu là công việc đam mê. Trong lúc chưa tìm được đam mêm thì cũng nên làm tạm công việc nào đó (trở lại mục đầu tiên). Cũng như bạn không kết hôn với mối tình đầu, bạn cũng sẽ không làm công việc đầu tiên cả đời. Và chỉ vì bạn làm tốt việc gì đó, không có nghĩa nó là đam mê của bạn.
Vào đại học năm 17, 18 tuổi, chắc không ít người giống như tôi phải ân hận vì lựa chọn nghề nghiệp lúc đó. Học xong ĐH tôi cũng không biết đâm đầu vào đâu tiếp. Bỏ việc, đi học, chọn việc, làm lại... tôi thử và cuối cùng mới tìm thấy "tiếng gọi" khi đã 27, 28 tuổi. Nhưng tôi không thấy phí thời gian trăn trở, tìm hiểu đó. Nó có thể vất vả, nhưng là cuộc đời mình muốn sống, chứ không thể để ai khác lựa chọn giúp mình.
5. Xác định hệ giá trị của bản thân
Điều này tất quan trọng không chỉ cho sự nghiệp mà cả trong đời sống. Nếu công việc phù hợp với hệ giá trị của bạn thì bạn sẽ có một sự nghiệp viên mãn. Ví dụ tôi phân vân giữa việc làm nghiên cứu hay đi làm phân tích dữ liệu.
Cả hai đều phù hợp với ý thích và giá trị của tôi là thích tìm tòi cái mới và phát triển bản thân, nhưng công việc phân tích dữ liệu cho các công ty trái ngược với giá trị muốn được tự do làm theo ý mình và theo đuổi công bằng xã hội. Vậy nên tôi chọn công việc thứ nhất. Tôi dùng Minnesota values card sort, một bài trắc nghiệm tâm lý để tìm ra giá trị mà mình muốn theo đuổi.
6. Luôn thử khi có cơ hội
Nộp đơn vào vị trí mà bạn muốn, cho dù bạn nghĩ là bạn không đủ trình độ. Đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tôi gặp rất nhiều chị em và sinh viên nữ rất giỏi nhưng luôn nghĩ là mình còn kém cỏi.
Nếu nộp đơn, bạn có thể không trúng tuyển. Nhưng nếu bạn không nộp, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có được công việc đó. Tất cả các vị trí được nhận, tôi đều nghĩ là mình không đủ trình độ. Nhưng tôi vẫn thử nộp và hiện giờ đang làm một trong những công việc đó. Trôi chảy và không có gì phải phàn nàn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Huyen Le