"Tôi làm IT từ khối tư vào khối nhà nước. Trước khi chuyển đổi, lương thưởng của tôi dao động từ 40-60 triệu đồng một tháng tùy thời điểm. Nhưng đổi lại, áp lực công việc rất lớn, thường xuyên thức khuya, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ngoài ra, quỹ thời gian dành cho gia đình và bản thân cũng rất hạn hẹp. Khi vào làm trong nhà nước, lương chỉ hơn 10 triệu đồng một tháng, nhưng áp lực giảm đi đáng kể, sau vài lần suýt đột quỵ, tôi quyết định đặt sức khỏe lên trên hết. Tiền quan trọng, nhưng có sức khỏe mới hưởng thụ được".
Độc giả nickname ssscnn1 chia sẻ như trên, sau bài viết Nhân sự IT không mặn mà làm việc cho khu vực nhà nước. Theo đó, e ngại cơ hội phát triển hạn chế, lương thấp, thời gian, môi trường làm việc gò bó... là những lý do khiến nhân lực công nghệ thông tin không mặn mà với khu vực công.
Độc giả nickname duong.tq.dev nói:
"Trong bất kỳ ngành nghề nào, lương cao đều đi kèm với trách nhiệm lớn và đóng góp đáng kể. Tôi làm IT ở Việt Nam, quen biết nhiều anh chị có mức lương sau thuế lên đến 100 triệu đồng một tháng.
Đa phần họ làm việc tại các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Project Manager hay Solution Architect. Họ phải quản lý công việc khối lượng lớn, vận hành đội ngũ hàng chục nhân sự, và quyết định thành bại của cả dự án.
Điều này hiếm gặp trong các dự án nhà nước, nên việc các tổ chức nhà nước khó thu hút nhân lực giỏi cũng là điều dễ hiểu".
Nhiều năm phối hợp tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin, đại diện một đơn vị cho rằng về mức lương, chế độ đãi ngộ, phúc lợi, môi trường làm việc linh hoạt... khối nhà nước khó lòng cạnh tranh được với khu vực tư.
Độc giả jasonngo.dev nhận định:
"Thực ra, việc làm công hay tư không quan trọng. Cái cốt lõi của nghề IT là lương và phúc lợi phải tương xứng, vì họ vừa phải học liên tục vừa làm việc bất kể thời gian.
Điểm mấu chốt là khi IT giỏi quay về doanh nghiệp, họ phải tạo ra giá trị chuyển đổi số thực sự. Ví dụ, đầu tư ban đầu có thể là 100, nhưng nếu có nhân lực giỏi, giá trị đầu tư có thể giảm xuống chỉ còn 10 mà vẫn mang lại hiệu quả tương tự. Đây là điều cần đặt làm trọng tâm".
Độc giả Tuan Bui Anh nói:
"Tôi từng làm ở công ty tư nhân, không giữ chức vụ gì lớn nhưng lương còn vượt qua cả vài trưởng phòng. Trong môi trường tư nhân, lương thưởng thường được thương lượng trực tiếp, không bị ràng buộc bởi các yếu tố giấy tờ. IT là nghề mà người khác cần mình nhiều hơn chiều ngược lại.
Vấn đề của IT trong khối nhà nước không chỉ ở thu nhập, mà còn ở môi trường làm việc và không gian để thỏa sức sáng tạo. Tạo ra công cụ không khó, nhưng làm thế nào để nó được ứng dụng hiệu quả là bài toán lớn. Khi hiệu quả tổ chức tăng lên, vai trò và giá trị của IT cũng sẽ tự nhiên được công nhận, cùng với những lợi ích xứng đáng".
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về ngành IT qua địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Thành Đô tổng hợp