Khi ấy, mạng xã hội với tôi là nơi để đăng dòng trạng thái vu vơ về mưa Sài Gòn hay vài ba câu bông đùa với những người bạn thực mà tôi quen biết ngoài đời. Yahoo Messenger và tin nhắn SMS vẫn là công cụ chính để sinh viên chúng tôi liên lạc với nhau. Việc "lên mạng" chỉ như một thú vui bổ sung mỗi khi tôi có thể rảnh rỗi dành ít phút kiểm tra xem bạn bè mình đang làm gì, ai đang hẹn hò với ai trong trạng thái họ mới cập nhật.
15 năm sau, cái nền tảng ấy nuốt chửng tôi vào guồng quay của những tin nóng, video ngắn cắt cảnh liên hồi.
Từ lúc nào, tôi bỗng trở thành kẻ "hóng hớt" - ngồi ở nước ngoài mà bạn bè Việt Nam vẫn nhắn tin hỏi thăm mỗi khi có "biến" mới trên mạng, như thể tôi là cái máy cập nhật tin tự động. Tôi thậm chí cảm thấy bứt rứt, bồn chồn nếu chiếc điện thoại nằm ngoài tầm với, khiến tôi không thể online.
Từ vài phút giải trí vặt vãnh ban đầu, một ngày, thống kê trên điện thoại đổ xuống trước mắt tôi những con số "khổng lồ": 2,5 tiếng mỗi ngày, trong suốt 15 năm; 10.000 giờ chôn chân trong mớ thông tin hỗn độn. Malcolm Gladwell từng viết trong cuốn "Những kẻ xuất chúng" về việc dành 10.000 giờ luyện tập có chủ đích để trở thành bậc thầy. 10.000 giờ đủ để tôi học chơi piano, hoặc thông thạo thêm một ngoại ngữ... Vậy tôi đã luyện tập điều gì khi lướt mạng và bình luận?
Không trả lời được câu hỏi này, tôi quyết định tắt thông báo, khóa tài khoản. Một cuộc cai nghiện bắt đầu. Câu hỏi lập tức bật ra là: tôi sẽ chịu đựng được bao lâu? Những ngày đầu tiên, tay tôi phản xạ như một thói quen vô thức. Điện thoại mở lên, ngón cái lướt trên màn hình, rồi khựng lại như một diễn viên quên thoại.
Biểu tượng mạng xã hội không còn nhưng cảm giác tìm kiếm vẫn dai dẳng. Tôi trở nên cáu kỉnh vì sự thiếu thốn: không có cập nhật từ bạn bè, không có những bài review quán ăn, những đôi giày hiệu, những chuyến du lịch, cũng không còn tin tức giải trí. Mọi thứ bỗng trở nên yên ắng lạ thường, mà tôi thì chưa quen với sự yên ắng đó.
Nhưng rồi, những triệu chứng ban đầu dần dịu đi sau vài ngày. Tôi thôi giật mình mỗi lần mở điện thoại, không còn nhấn vào những đường link kéo tôi vào hố đen thời gian. Cảm giác chờ đợi lượt like, đếm số người hưởng ứng cũng tan biến. Tôi nhận ra: mình từng đặt quá nhiều cảm xúc vào những con số ảo.
Tôi dành thời gian cho những điều vốn bị lãng quên. Tôi phát hiện quán cà phê mình hay ghé có một con mèo lười biếng ngủ vùi trên ghế gỗ. Tôi nghe tiếng gió buổi chiều và quan sát bầu trời dần chuyển từ vàng sang tím, thay vì vội rút điện thoại ra chụp rồi đăng ngay lên mạng. Thời gian không còn bị xé vụn bởi những thông báo liên hồi. Tôi có thể đọc một mạch cuốn sách bỏ dở, viết trọn bài báo mà tôi từng mở ra, gấp vào, và có những buổi trò chuyện không-điện-thoại trên bàn ăn.
Mạng xã hội đã khiến tôi bỏ qua những thứ nhỏ nhặt nhưng đẹp đẽ như vậy. Giờ đây, tôi tìm được cách khác để kết nối với thế giới: bằng mắt, bằng tai, bằng hơi thở. Và bằng chính tôi, chứ không phải qua một màn hình.
Đến tháng 6/2023, gần 8/10 người dùng internet Việt Nam có sử dụng mạng xã hội và dành trung bình gần 3 giờ mỗi ngày để lướt, xem, tương tác. Gần một nửa người trẻ 18-34 tuổi thừa nhận họ kiểm tra mạng xã hội ngay khi vừa mở mắt vào buổi sáng và trước lúc chìm vào giấc ngủ, như một thói quen khó bỏ.
Thế nhưng, khoa học đã chỉ ra: việc chủ động giảm thời gian "sống ảo" không đơn thuần là từ bỏ thói quen, mà còn là cách nâng cấp chất lượng sống thực. Một thí nghiệm nhỏ trên 143 sinh viên Mỹ cho thấy, chỉ sau ba tuần hạn chế dùng mạng xã hội, nhóm này đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về cảm xúc. Có lẽ, khi không còn bị cuốn vào những cuộc đua "like - share", tâm trí họ được trở về với nhịp điệu tự nhiên, nhẹ nhàng hơn. Một nghiên cứu đăng trên BBC kết luận: 30 phút dán mắt vào màn hình trước khi ngủ có thể khiến giấc ngủ chập chờn, bởi ánh sáng xanh làm rối loạn melatonin - hormone điều chỉnh giấc ngủ - hoặc khiến tâm trí loay hoay với những suy nghĩ tiêu cực.
Tôi vẫn đang trong quá trình cắt đứt với thế giới ảo và bắt đầu nhận ra rằng: việc kiểm soát thời gian trên mạng xã hội cũng giống như gạn lớp váng trên mặt nước để từ từ nhìn xuống đáy và thấy rõ hơn những thứ cần thiết. Tôi không gỡ bỏ ứng dụng, không phủ nhận những mặt tích cực, cần thiết của mạng xã hội, nhưng tôi biết, hành trình này sẽ giúp mình xác định rõ ranh giới giữa "kết nối" và "phụ thuộc".
Mạng xã hội rõ ràng là một thành tựu đột phá, tạo ra những thay đổi không chỉ trong cách con người giao tiếp, mà còn tác động khó đo lường đến cách thế giới này vận hành. Nhưng mặt khác, tôi vẫn cần điều chỉnh bản thân để không trở thành nhân vật bị điều khiển trong trò chơi "attention economy". Kinh tế chú ý là một khái niệm trong kinh tế học thông tin, coi sự chú ý của con người là tài nguyên quý giá và hạn chế. Trong thời đại số, các nền tảng mạng xã hội và công nghệ thiết kế sản phẩm, dịch vụ đã cá nhân hóa nội dung, sử dụng AI để phân tích hành vi người dùng, giữ họ ở lại lâu hơn, nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ quảng cáo.
Nhà khoa học máy tính - nhà tư tưởng nổi tiếng người Mỹ Jaron Lanier từng cảnh báo, thời đại số đòi hỏi con người chúng ta phải "thiết kế lại sự chú ý". Ông khuyến khích con người hạn chế sự kiểm soát của thuật toán và mạng xã hội bằng cách chủ động tìm kiếm nội dung, tắt gợi ý, kiểm soát thông báo, tránh tin giả, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị.
Khi "thiết kế lại sự chú ý" của bản thân đối với thế giới ảo, tôi có cơ hội nhìn thật rõ thế giới thực đang tồn tại của chính bản thân mình.
Trình Phương Quân