"Tôi học chuyên Hóa và ngành kỹ sư Hóa. Những kiến thức Hóa học hồi cấp ba chỉ có vài thứ dùng được, như là biết khái các nguyên tố, các phân tử là gì. Còn những kiến thức như phương trình oxy hóa... cũng chưa từng sử dụng, mặc dù tôi làm cho công ty hóa chất hàng đầu ở Mỹ.
Những thứ cơ bản như cân hóa chất, dùng pipette (dụng cụ phòng thí nghiệm thông dụng trong hóa học, sinh học và y học, dùng để vận chuyển một thể tích chất lỏng) máy quay dùng nam châm, máy ly tâm, phễu... thì may mà lúc đi học đại học có được dạy.
Các bạn đại học hay cười tôi vì không biết các dụng cụ trong phòng thí nghiệm là gì, bởi vì họ không học cấp ba ở Việt Nam như tôi".
Độc giả nickname Oceania chia sẻ bản thân là kỹ sư Hóa học, nêu bình luận như trên, sau bài viết Kỳ thi cuối cùng. Bài viết này, tác giả ví von, gọi vui dạng đề thi hoặc bài tập phi thực tế trong môn hóa là "canh chua chiên giòn".
Bạn đọc Yến chia sẻ từng ghét học môn Hóa ở cấp ba, vì phải "học gạo" lý thuyết:
"Hồi cấp ba, tôi không thích học môn Hóa vì chỉ toàn là lý thuyết, chưa từng được thực hành một thí nghiệm hóa học hay hiểu ứng dụng của nó là gì. Những môn học đáng lý phải mang tính thực nghiệm và áp dụng thì lại toàn phải học gạo để qua bài kiểm tra.
Chỉ đến khi tôi học thêm với một giáo sư đại học dạy Hóa học, tôi mới thực sự thay đổi được sự 'ghét' của mình với môn học này, vì thầy chỉ cho chúng tôi mối liên quan và những nguyên nhân sâu xa của các công thức hóa học, giúp tôi hiểu và không phải 'nhớ gạo' kiến thức.
Chúng ta nên cải cách giáo dục theo hướng giúp học sinh dễ nhớ, dễ thích môn hóa và cũng nên thực hành, ứng dụng thực tế hơn. Nếu sợ tốn kém chi phí thì có thể quay tạo các video giảng bài trước để giúp học sinh xem và hiểu, thay vì chỉ học vẹt một mớ công thức và chẳng hiểu gì".
Cách dạy và đề thi các môn khoa học tự nhiên nhiều năm qua được đánh giá khô khan, đến khi gặp những bài toán thực tế, học sinh không giải được. Độc giả nickname nam.kienlam lấy ví dụ:
"Chẳng nói đâu xa, tôi lấy ví dụ bài thi môn Toán vào lớp 10 của TP HCM mấy tuần trước. Người đã đi làm (không quen dạng đề) vẫn có thể mày mò để làm được các bài toán thực tế (tính diện tích vườn, tính diện tích hộp sản phẩm...) trong khi nhiều học sinh không làm được.
Đây không phải là học sinh kém, mà các em đã quá quen với những dạng câu hỏi khô khan, nhìn vào là số, đến mức không thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế được nữa. Mà học không thể áp dụng được vào thực tế thì học làm gì?".
Độc giả nickname lezardvn87 phân tích và nhìn nhận:
"Cách đây hơn 20 năm, đám học sinh chuyên Hóa lứa tôi từng đối mặt với đề thi phổ thông và... một vài bạn điểm thấp.
Nghe thì vô lý, nhưng sự thật đơn giản là những bài thi bậc phổ thông kiểu 'canh chua chiên giòn' như tác giả nói không chỉ phi thực tế, mà nhiều khi kết quả trên thực tế thu được nó phức tạp hơn nhiều, rất khó giải quyết.
Đối với những người học theo kiểu 'sát thực tế' để luyện thi sẽ rất dễ bối rối với một vài đề bài kiểu như vậy. Thậm chí còn có câu đùa rằng học chuyên cái gì thì hay... thi rớt ở môn ấy. Chuyện này cũng không phải là hiếm ở các đội tuyển chuyên trong suốt mấy chục năm qua.
Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu cho học và thi Hóa học 'thực tế' một chút thì học sinh phổ thông phải đối mặt với nhiều câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều với các loại điều kiện phản ứng khác nhau. Lúc đó lại đặt ra câu hỏi khác là: 'Có cần phải vậy không?'.
Chương trình hiện nay dù có khác, nhưng ít nhất nó cung cấp một cách tư duy đối với Hóa học ở mức căn bản. Còn chuyện đặt ra bài tập, bài thi lắt léo để đánh đố thì lại là câu chuyện thi cử, thuộc về một phạm trù khác chứ không phải vấn đề của chương trình dạy và học môn Hóa.
Ở một số nước, đề thi nói chung có khuynh hướng ra đề đơn giản và cơ bản, nhưng rất nhiều câu, bao phủ toàn bộ chương trình học đòi hỏi học sinh phải học và hiểu toàn diện, kiểu như thi SAT vậy.
Còn thi cử của chúng ta hiện nay vẫn thiên về đánh đố nên các thầy cô vẫn phải bám theo cái khung ấy mà thôi".
Hữu Nghị tổng hợp