Tôi hiện đang ở nước ngoài. Mấy năm nay vẫn cứ phân vân nên về hay ở, nhưng cứ nghĩ đến chuyện học của các cháu thì tôi thấy ở bên này yên tâm hơn. Tôi ở một làng nhỏ, chỉ có lớp mẫu giáo và cấp một, sang đến cấp hai các cháu sẽ phải đi xe buýt sang thôn khác học.
Trường nhỏ ít học sinh nên có những năm phải ghép hai lớp vào một lớp. Lớp bốn ngồi một bên, lớp năm ngồi một bên. Cô giảng bài cho lớp bốn xong giao bài tập, rồi quay sang giảng bài cho lớp năm. Bên lớp hai, lớp ba cũng hai lớp dồn một như thế.
Phụ huynh chúng tôi không phải đóng bất cứ khoản nào bắt buộc cả. Mọi chi phí sinh hoạt trường liệu cơm gắp mắm trong ngân sách của Bộ Giáo dục và của tỉnh. Phụ huynh đóng góp theo tự nguyện. Thỉnh thoảng trường tổ chức bán sản phẩm sạch do chính các phụ huynh trồng để tăng ngân sách. Tuy cơ sở vật chất không bằng ai nhưng bọn trẻ vẫn thỉnh thoảng được đi xem phim, đi trượt tuyết, đi bơi...
(Xem thêm: Tôi dạy con trai nói tiếng Anh từ 3 tuổi như thế nào)
Hoạt động mỗi năm mỗi khác, tùy theo ngân sách và tài trợ. Nhưng hầu như mỗi tháng, các cháu đều được đi ra ngoài. Nhà tôi gần núi, gần sông các cháu thường xuyên được cô dẫn ra ngoài thiên nhiên, đi leo núi, vào rừng hái nấm, ra suối bắt cá...
Giờ học thì khá nhẹ nhàng, mỗi ngày từ 8h30 đến 16h. Trưa nghỉ hai tiếng và học bốn ngày rưỡi trong tuần. Cháu lớn nhà tôi đã học đến lớp năm mà từ trước đến giờ rất ít khi cháu phải làm bài tập ở nhà. Ngay từ khi vào lớp một, cô giáo đã nói bài tập về nhà thường chỉ mất năm phút để làm. Nếu em nào làm quá 15 phút mà chưa xong là có vấn đề, phụ huynh phải báo cho cô biết.
Con tôi thường tranh thủ làm bài tập luôn trong lớp nên tan học là vứt sách vở vào một góc và đi chơi với các bạn, cho đến giờ cơm. Tuy các cháu học như vậy nhưng tôi nghĩ kiến thức cháu không thua tôi ngày xưa. Dù tôi từ bé đến lớn học trường chuyên lớp chọn, học từ sáng tối đến tối mịt. Cháu vẫn còn học tiểu học mà đã được học về tầng khí quyển, cấu trúc trái đất, hệ mặt trời... Những cái này bây giờ tôi quên sạch.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Các cháu biết dựng lều trong rừng, biết bơi, biết nhận diện dấu chân các loài thú hoang..., những cái này tôi chưa bao giờ biết vì chưa từng được học. Cũng vì trường nhỏ, các lớp học chung với nhau nên các lớp bé được nghe luôn bài giảng lớp lớn. Mấy cháu nhà tôi tiếp thu tốt, cô thấy các cháu để ý nghe bài giảng lớp trên nên hướng dẫn luôn. Thế là đến cuối năm cháu được nhảy lớp.
Tôi xin nói rõ là để được nhảy lớp thì phải hoàn thành bài kiểm tra trình độ và được bác sĩ tâm lý của tỉnh phê chuẩn. Nghĩa là đầy đủ năng lực, khả năng học tập và chín chắn. Cô giáo luôn theo dõi từng học sinh, kèm cặp để đáp ứng nhu cầu và sự tiếp thu, không để em nào thụt lùi, còn em nào muốn và có khả năng tiến tiếp thì hoàn toàn được hỗ trợ để học nhanh hơn.
Tôi đã nhiều lần so sánh việc học tập của các con bây giờ và của tôi ở Việt Nam khi trước. Tôi thật sự ghen tỵ với chúng, chẳng có tí áp lực nào cả, rất vui vẻ, rất nhiều thời gian chơi, muốn học thêm ngoại khóa cái gì cũng có thể đi học mà không lo ảnh hưởng đến kết quả ở trường.
(Xem thêm: Dạy con tự chủ tiền bạc theo cách người Nhật)
Tôi từ nhỏ đến lớn học hành kết quả rất tốt, luôn đạt học sinh giỏi trường chuyên... nhưng sau bao nhiêu năm tôi không còn nhớ được những kiến thức gì, ngoài chuyên môn đại học, còn những kiến thức khác tôi đâu có bao giờ sử dụng đến.
Tôi thật sự thấy khá thỏa mãn với làng quê nhỏ bé này, bọn trẻ học ở trường xong thì tụm năm tụm ba đạp xe đạp, bắn bi, chơi trốn tìm... Lúc buồn chọc ghẹo mấy con bò, con cừu nhà hàng xóm... Tôi thấy bọn trẻ vô tư lự giống tuổi thơ của mình, và tôi cũng tự tin chúng có đầy đủ kiến thức để học cao học xa.
Không cần học nhiều, không cần cày, tôi nghĩ chỉ cần học đúng cách thì vẫn có thể có kết quả tốt. Tôi thật mong tất cả trẻ em đều có thể như các con tôi, sống tuổi thơ trọn vẹn.
>> Xem thêm: Tôi dạy con kiểu 'gà mẹ dẫn con đi kiếm mồi'