Học theo một số bạn bè người Nhật , tôi cũng dạy con về cách thức sử dụng tiền từ bé nhằm giúp các bé hiểu về giá trị đồng tiền, sự hữu hạn của tiền nong và cách thức để tự chủ về tài chính.
Khi lên lớp một thì các bé bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hàng tháng, đầu tiên là 500 yen (tiền Nhật) để bé được tự mua thứ mình thích, đã sử dụng hết thì thôi, muốn cũng phải chịu, chờ tới tháng sau. Tùy từng gia đình mà quyết định khoản tiêu vặt đó được dùng để mua gì, mà trẻ con đã mua trong số tiền đó rồi thì cha mẹ không được mua thay.
Càng lên lớp trên thì số tiền tiêu vặt của các bé càng tăng thêm, cụ thể mỗi lớp học sẽ tăng thêm khoảng 100 yen, nhưng không quá nhiều.
Tụi trẻ nhà tôi đều nhận được tiền tiêu vặt hàng tháng, các bé sẽ được phép mua kẹo, cục tẩy, hay một thứ đồ chơi nào đó rẻ tiền mà bé muốn mua. Ông xã tôi còn sắm cho các con sổ chi tiêu để các bé ghi chép, hàng tháng nhận bao nhiêu, chi cho cái gì, còn lại bao nhiêu.
Mỗi khi đi chơi xa, các bé sẽ được cho chừng 1.000 yen để tự mua nước uống, đồ ăn vặt ưa thích, chơi gì đó tự do. Nếu bé tiêu hết ngay lập tức thì đành chịu chứ không cho thêm.
Bố các cháu thì nghiêm khắc vì đã được dạy từ bé và rõ ràng là có ý thức hơn. Tôi thì đôi khi vẫn tùy hứng, nghĩ làm cho con vui thì tiếc gì vài ba trăm yen mà không mua cho con chai nước, cây kem... Tuy nhiên, đó lại chính là hành động tùy tiện phá vỡ tính kỷ luật cần có để bảo đảm thực hiện kế hoạch do chính mình đề ra.
Vì thế, đôi khi tôi vẫn hậm hực và cáu với ông xã, nhưng nghiệm lại, tôi nghĩ dạy cho con nghiêm túc và thực sự có ý thức thì phải rất nghiêm, cái gì ra cái nấy, nếu không thì sẽ luôn tùy tiện, đến đâu hay đến đấy, rất bất ổn.
Ngoài ra thì vợ chồng tôi còn có phương kế là nếu trẻ con khao khát một kế hoạch nào đó liên quan đến tài chính thì buộc phải "lao động" để nhận được "thù lao" và tích lũy lại để đạt được món tiền cần có cho kế hoạch đó.
Ví dụ, cô chị cần tiền để đi mua sắm với bạn (ngoài những thứ cha mẹ có bổn phận phải sắm sửa cho) thì mỗi ngày con bé đều đặn gấp quần áo, đem tới chỗ đựng của mỗi người, dọn dẹp phòng sinh hoạt ngăn nắp. Mỗi giờ làm việc bé sẽ được nhận chừng, sau đó sẽ gom góp lại để đi chơi với bạn và được phép chi tiêu số tiền đó theo ý mình.
Cậu em cũng phải nỗ lực cắt cỏ, làm việc này việc kia theo yêu cầu của mẹ để kiếm tiền mua một phần mềm đồ chơi mà cậu thích nhưng bố mẹ không có ý định mua, ví dụ như cắt cỏ, lau cọ bồn tắm, toilet...
Nhiều phụ huynh khác cùng lớp với con tôi cũng thực hiện theo kế hoạc này. Một chị khác, khi con lên Trung học cơ sở thì chị ấy cho một khoản chừng 5.000 yen hay bạn con gái tôi thì được hưởng 8.000 yen/ tháng.
Các con phải tự chi tiêu cho cá nhân trọn vẹn ở trong đó từ mua đồ dùng lặt vặt cho học hành, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc... Tháng tồn đọng nhiều thì mua sắm quần áo, tháng ít thì sẽ chỉ dùng mua lặt vặt như cục tẩy,cuốn vở... Nếu muốn mua khoản lớn thì các bé phải tiết kiệm hơn để có khoản lớn
Bằng những việc này, trẻ con dần dần hiểu được tiền nong không phải là vô giới hạn và phải biết chi tiêu trong khả năng của mình và biết hài lòng với khả năng đó. Tuy nhiên để tránh sự lạnh lùng quá mức trong quan niệm về tiền nong, tôi vẫn khuyến khích cho các con khi cần vẫn nên chia sẻ với bạn bè, mọi người chứ không sòng phẳng quá.
Cậu con trai của tôi đi chơi lễ hội với bạn, bạn hết tiền nên bé mua kem tặng bạn, mua vé cho bạn chơi cùng trò vui, nếu không thì bạn lại buồn. Đi chơi thấy ăn mày, bé cũng bảo mẹ nên đưa tiền cho người ta. Con gái cũng thế, tôi muốn con mình biết cân bằng tài chính và khéo léo hơn mẹ trong chi tiêu nhưng tôi lại không muốn con bé quá chi li và coi trọng tiền nong hơn tình cảm con người.
Làm chủ được tài chính cũng là một điều quan trọng, tôi nghĩ vậy. Khi làm chủ được tài chính thì sẽ biết hài lòng với những gì mình có hơn, hoặc nếu có khát vọng lớn hơn thì chỉ có cách là lao động tích cực để có nhiều hơn mà chi, còn không thể thì cũng biết sức lực của mình để không sa vào cạm bẫy của nợ nần hay những cám dỗ.
Làm chủ tài chính mà cụ thể là chi tiêu có kế hoạch, chi tiêu trong phạm vi mình có sẽ tự chủ hơn và quý trọng lao động của mình và mọi người.
>> Xem thêm: Người mẹ và con thơ 18 tháng tuổi lấy vỉa hè làm nhà giữa thủ đô
Chia sẻ bài viết của bạn về cách giáo dục trẻ tại đây.