Nhiều lúc tôi tự đặt cho mình nhiều câu hỏi vu vơ “Tại sao con người ta lại phải lớn, tại sao không thể sống mãi mãi là đứa trẻ, mãi mãi được bao bọc, chở che trong lòng mẹ, được nô đùa, vui chơi thỏa thích, chẳng cần lo âu, đắn đo, suy nghĩ…”.
21 tuổi đầu, phía trước tôi là biết bao con đường, có con đường tôi phải tự chọn, có con đường buộc tôi phải đi. Nhìn những đoạn đường buộc phải đi của mình, lắm lúc tôi thấy nản, thấy chán, muốn gục ngã, rồi lại muốn được uống một viên thuốc teo nhỏ như Shinichi, trở về ngày xưa, không muốn lớn nữa.

Tình yêu, sự nghiệp, tiền bạc là những chặng đường phía trước ai cũng phải đi qua, khó khăn có thể vấp ngã nhưng nếu vì bồng bột mà chọn sai đường thì có thể sẽ đi đi vào đường cụt, cuộc đời bế tắc. Cuộc sống luôn vận động và đòi hỏi con người cũng phải vận động theo, ai không theo kịp thì bị bỏ lại phía sau. Từ khi bước những bước chân đầu tiên vào đời, nhìn lại chặng đường hơn một năm học đại học trôi qua, những thành tựu thì chả được bao nhiêu, trong khi chỉ thấy tiếc cho thời gian của mình bị trôi đi quá lãng phí.
Tôi ngẫm nhìn chặng đường đi qua, ngó chặng đường phía trước thật sự thấy mình cảm thấy mỏi mệt quá, nếu cuộc sống là một cuộc chơi thì có thể tôi muốn xin tạm dừng. Những lúc như thế, nhiều suy nghĩ vẩn vơ cứ chạy quanh, rồi đột nhiên tôi muốn quẳng mình đi một nơi thật sâu, nơi đó yên bình, có bố mẹ la mắng mỗi khi đi học không đội mũ, la cà dọc đường, có các em mỗi tối ngồi dưới bếp nướng ngô vụng, trốn lên gác xép chơi cá ngựa, chơi bài, mỗi khi có tiếng mẹ bước chân lên cầu thang là cả lũ toán loạn ngồi ngay ngắn vào bàn học, và còn có cả những đứa bạn quỷ sứ cùng chăn trâu, nặn pháo đất, thả diều, ném lon bia…
Sắp là sinh viên năm ba rồi nhưng vẫn hào hứng đến thứ bảy chủ nhật để được về quê với bố mẹ. Và mỗi lần về quê là mỗi lần có một cảm xúc khác nhau: hào hứng, bồi hồi, lạ lẫm, ngạc nhiên,…. Hào hứng vì được về với mảnh đất ruột thịt, bồi hồi ngẫm lại những kỷ niệm thuở nhỏ, lạ lẫm đưa mắt ngó qua cánh cửa xe ôtô khi thấy những đổi mới của quê nhà, ngạc nhiên vì nhiều đứa trong làng mới có 17-18 tuổi đã con bồng con bế, gặp nhiều đứa trẻ không biết nó là con nhà ai, gặp nhiều chị không biết tên là gì, con dâu nhà nào, thậm chí còn sốc khi nghe tin có những người trung niên trong làng mới hôm nào còn gặp mà giờ về họ đã không còn nữa…
Dẫu biết con người ai cũng không nằm ngoài quy luật sinh, lão, bệnh, tử nhưng sao tôi cứ không muốn mình phải lớn? Phải chăng đó là cái cảm giác của những con người mới bước chân vào đời? Những bỡ ngỡ, lạ lùng, cô đơn, những ưu tư, muộn phiền khi nghĩ về tương lai khiến cho con người ta ngại lớn? Hay cuộc sống xô bồ, bon chen, ồn ã nơi thành thị khiến cho một đứa con sinh ra từ làng quê cảm giác như không bắt kịp, không phù hợp dẫn đến tâm lý muốn thu nhỏ trở lại tuổi thơ, không muốn lớn?
Mọi thứ đều có thể thay đổi, duy chỉ có một thứ mãi mãi không đổi đó chính là thời gian. Ai là người có thể quay ngược được cỗ máy thời gian? Ai là người có thể biết trước tương lai của mình? Không ai! Cuộc sống vận động và hình thành nên những quy luật bất diệt. Cuộc sống tạo ra ta và để mặc cho ta tự lớn, sinh tồn, và cuối cùng là chết, và nó không cho phép bất cứ ai được như ý muốn: mãi mãi là trẻ thơ? Mãi mãi xuân xanh? Trường sinh bất tử? Chúng ta không có khả năng thực hiện những ham muốn đó, chỉ biết chảy theo dòng chảy của nó, nhưng nếu chỉ biết cuộc sống của chúng ta thật vô vị.
Mỗi người đều có lúc bi quan, lạc quan, chúng ta hãy bi quan ít đi và lạc quan nhiều lên nhé! Chúng ta không có khả năng thay đổi được thời gian nhưng chúng ta có khả năng thay đổi cuộc sống của chính chúng ta nếu như chúng ta muốn là nó yên bình, nó sẽ yên bình, muốn nó có sóng, thì chúng ta hãy tạo thêm sóng! Vì vậy, hãy để tuổi thơ tươi đẹp là chỗ dựa mỗi khi mệt mỏi, phiền muộn các bạn nhé! Bởi vì tuổi thơ luôn tồn tại vĩnh viễn trong quá khứ của mỗi người.
Phạm Thị Phương
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.