Các môn học ở trung học của chúng tôi hồi đó gồm Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Sinh vật và Thể dục. Không có bất cứ một môn phụ trợ nào khác. Toàn bộ các môn này là những môn được dùng để thi đại học các khối A,B,C,D và Đại học thể thao, không có bất cứ một môn "thừa" nào.
Ai học sao tôi không biết chứ tôi vừa học vừa chơi dài cả 12 năm phổ thông, không cần đi học thêm và thi đại học vừa đủ điểm đậu. Hồi đó, thi đại học chỉ được thi vào một trường duy nhất, không có chuyện nguyện vọng 2, 3 gì đó. Chương trình học hồi đó không khó. Khó là thi đại học người ta cho đề lắt léo. 12 năm phổ thông, 5 năm đại học, khó nhất là thi đại học, còn lại không có cái gì khó hơn thế, bao gồm cả việc ra đi làm sau này.
Tôi vào đại học đúng vào cái năm nhà trường cải cách lại chuyện học – thi. Chúng tôi sẽ không học và thi học kỳ như các khóa trước mà học theo kiểu học phần và thi học phần lấy tín chỉ. Mỗi học phần có số tiết lên lớp bằng nhau ở tất cả các môn, học xong phần nào thi luôn phần đó. Như vậy, có môn nhiều học phần và có môn ít học phần. Học như vậy là học ít thi nhiều, học và thi đan xen nhau, mọi người tự học tự ôn. Sáng lên giảng đường nghe giảng môn này, chiều vào phòng thi thi môn kia là chuyện bình thường.
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Trong phòng thi, bạn được chọn 1 trong 2 cách: thi viết hoặc thi vấn đáp. Tôi thường chọn thi vấn đáp, cách thi này khó hơn thi viết nhưng chỉ cần học hiểu không cần học thuộc lòng. Giảng viên không chỉ hỏi kiến thức trong sách giáo khoa mà còn hỏi cả các kiến thức có liên quan trong thư viện. Chỉ học trong sách giáo khoa mà không lên thư viện đọc sách thì điểm không cao, nhiều lắm là được 7 điểm nếu trả lời thông suốt hết mọi câu hỏi có liên quan đến sách. Điểm thi được cho ngay tại chỗ sau khi hỏi xong, khỏi chờ đợi, khỏi băn khoăn lo lắng mình có qua được hay không? Điểm được cho trực tiếp vào bảng điểm bời vì không có giấy thi, không có rọc phách như thi viết.
Nếu bạn cho rằng cho điểm không công bằng bạn có thể khiếu nại tại chỗ - luôn có 2 người hỏi thi, một người trực tiếp hỏi, còn người kia giám sát. Thi vấn đáp là không có quay cóp gì cả bởi vì người ta không cấm. Bạn được tự do mang mọi thứ vào phòng thi, được tự do lật sách mở vở trong thời gian chuẩn bị. Một người được gọi lên thi thì người tiếp theo lên bốc đề, về chỗ và chuẩn bị. Thời gian chuẩn bị của người này cũng là thời gian thi của người kia – 15 phút.
Tương tự, khi thi tốt nghiệp, bạn được chọn hoặc là viết luận văn rồi nộp chờ cho điểm, hoặc là bảo vệ luận án trước hội đồng thi 5 giáo sư và được cho điểm trực tiếp ngay sau khi bảo vệ xong. Thời gian trình bày là 5 phút, trả lời câu hỏi là 15 phút, trả lời được càng nhiều câu hỏi điểm càng cao. Tôi cũng chọn cách sau để thi tốt nghiệp.
Để xét tư cách lên lớp cũng như xét tư cách được thi tốt nghiệp, mỗi năm bạn không được nợ quá 1 tín chỉ, 5 năm không được nợ quá 3 tín chỉ - phần lớn thời gian của năm 4 và năm 5 là thời gian lên xưởng thực hành, tín chỉ của thực hành không được cho nợ. Mỗi tín chỉ thi 3 lần không qua được thì phải ở lại lớp học chung với khóa sau. Bạn "được" ở lại lớp 2 lần, lần thứ 3 thì về nhà, tức là bị đuổi học.
Khóa tôi có gần 100 người thi đậu vào đại học cùng với những sinh viên bị ở lại lớp của 2 khóa trước là gần 200 người. 200 người này khi thi tốt nghiệp xong chỉ có khoảng 70 người đạt được tốt nghiệp, trong đó được xếp hạng "ưu" chỉ có đúng 1 người, tất cả còn lại đều bị đánh giá là "trung bình". Tôi cũng ở trong cái đám đông "trung bình" này. Sau đó, người được đánh giá "ưu" được nhà trường giữ lại làm trợ giảng. Sau này, học bằng hai, người ta căn cứ vào học lực của 5 năm đại học bằng một để xét vào học luôn hay phải thi. Tôi đương nhiên là không phải thi.
>> Tôi mất 15 phút dạy con bài Toán khó
Lật lại sách giáo khoa phổ thông của con, tôi thấy học sinh bây giờ học hành nặng hơn chúng tôi hồi xưa rất nhiều, đầy những môn học "râu ria" thừa thãi, những môn học chỉ để "biết trước". Chẳng trách mà tụi nhỏ suốt ngày học, học và học, không có thời gian chơi. Chúng tôi không học môn Công nghệ vẫn vào đại học vẽ kỹ thuật tốt.
Bây giờ, nhiều người có vẻ như thích "học để rèn luyện tư duy trí não" gì đó. Suốt thời gian phổ thông của tôi, số lượng sách truyện mà tôi đọc đủ để mở một cái thư viện cỡ nhỏ. 15 bộ "chưởng" Kim Dung, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nghìn lẻ một đêm, Truyện cổ tích các dân tộc trong và ngoài nước, sách ngoại văn, truyện trong nước, những tác phẩm văn học được trích đoạn trong sách giáo khoa,... tôi đọc tuốt hết, vớ được cuốn nào đọc cuốn đó, đọc đi đọc lại 7 – 8 lượt.
Còn học sinh ngày nay? Chúng không có thời gian để đọc truyện, chúng còn bận "rèn luyện tư duy trí não". Người ta nói "đi một ngày đàng học một sàng khôn" nhưng cũng có người nói "bạn không cần phải đi đâu cả, sách vừa là thầy vừa là bạn, sẽ cho bạn biết những điều mà bạn muốn biết mà không cần phải đến tận nơi". Bất kể là câu nói nào cũng không áp dụng được với học sinh ngày nay vì chúng làm gì có thời gian.
Vào đại học, thay cho sách truyện là sách chuyên môn, chỗ nào không hiểu có thể tìm giáo sư để hỏi và tranh luận đến nơi đến chốn. Nhưng không có thói quen đọc sách, có thể đọc được sách chuyên môn sao? Sách chuyên môn không phải là sách giáo khoa, người ta không ép buộc bạn phải đọc. Kiến thức trong sách chuyên môn chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn những kiến thức trong sách giáo khoa và giúp bạn được điểm cao hơn khi thi vấn đáp thôi.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Phương Tây nghỉ đông cả tháng có thấy nghèo đi đâu'
>> 'Dồn cây làm công viên giảm ô nhiễm hơn trồng rải rác vỉa hè'
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
Ngày xưa đi học, cha mẹ không bao giờ hỏi han chuyện học hành của tôi. Họ chỉ nghĩ mình có bổn phận nuôi tôi và dạy tôi những cái mà nhà trường không dạy, còn chuyện học hành là bổn phận của tôi, học giỏi hay dở tự tôi quyết định. Cha mẹ cũng từng học đại học, thậm chí đi Nga du học lấy bằng Phó Tiến sĩ (bây giờ gọi là Thạc sĩ). Còn ngày nay, nội cái chuyện đưa đón con cái đi học thêm thôi cũng đủ hết hơi. Người ta học nhẹ nhàng như vậy mà làm được xe hơi máy bay tên lửa còn ta học nặng nề như vậy mà cái gì cũng không làm được bởi vì ta học không phải để làm mà để "rèn luyện tư duy trí não".
Xem nhiều trong ngày:
> 'Đêm ở Đài Loan đáng sống như ngày'
> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa thiếu hệ thống'
> 'Lương dưới 10 triệu đồng đừng vội cưới'
> Xếp loại bằng đại học như một 'bản án học lực'
> Bệnh nhẹ thành nan y vì dùng thuốc không đúng chỉ định
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.