Tôi là một giáo viên có chút thâm niên, trong đời giáo viên của mình tôi đã có rất nhiều học trò. Trong công việc của mình tôi là người rất yêu thương, quý trọng học trò của mình bởi vậy những năm về trước vào mỗi dịp 20/11 hay mồng 3 Tết thì nhà tôi luôn đầy hoa, đầy tiếng cười của những học sinh cũ và những học sinh mà tôi đang dạy.
Tuy nhiên theo thời gian thì số học sinh đến chúc tết tôi vào ngày mồng 3 Tết, hay những dịp lễ khác đã thưa dần. Một phần là do tôi nhắc các em học sinh của mình nên cẩn thận khi đi thăm thầy cô vì sợ các em đi lại nguy hiểm, thay vào đó các em có thể gửi tin nhắn, gọi điện; một phần khác là do cuộc sống đã có nhiều sự thay đổi.
Đó là những sự thay đổi mà dù muốn, dù không thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Thực tế cuộc sống cho thấy có thể có rất nhiều điều đã nên quen thuộc, thậm chí có thể đã trở thành tiềm thức nhưng do sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và cơ chế thị trường nên những điều này đã thay đổi nhanh chóng.
Chẳng hạn như do khoa học kỹ thuật phát triển nên thay vì đến trực tiếp chúc thầy, cô của mình thì học sinh giờ đây có thể gửi tin nhắn, gọi điện... hoặc do tác động của cơ chế thị trường nên mối quan hệ giữa thày và trò thay vì màu sắc lãng mạn như xưa là mối quan hệ gắn vơi lợi ích kinh tế nhiều hơn làm chuyện "mồng 3 Tết thầy" cũng thay đổi nhiều. Có thể chúng ta sợ rằng điều này sẽ làm mai một một truyền thống quý báu, tuy nhiên đó là cuộc sống.
Ban đầu tôi khá chạnh lòng khi ít học sinh đến thăm mình dịp lễ, Tết nhưng dần dần tôi chấp nhận điều này. Hơn nữa với tôi thì không phải vì các em đến thăm chúng ta mới là thể hiện sự quý trọng, kính yêu thầy cô của mình, thể hiện sự hiếu học. Các em có thể không đến thăm thầy cô vào dịp lễ, Tết để thể hiện lòng mình nhưng các em có thể thể hiện theo cách khác.
Điều này có thể minh chứng qua chuyện tôi phải đi phẫu thuật trong năm vừa qua. May mắn là tôi có một người học trò cũ giờ làm ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Khi tôi gửi phim cho em thì em bảo: Thầy ra đây chữa vì ở đây có những bác sĩ giỏi, nếu như tay nghề không cao thì sợ phẫu thuật sau lại phải phẫu thuật lại thì vất vả lắm. Thế là tôi quyết định ra Hà Nội phẫu thuật.
Về thủ tục thì em lo cho hết, bởi vậy nên nhập viện thứ Ba thì chiều thứ Tư đã được mổ. Vào phòng mổ tôi cũng căng thẳng như mọi người nhưng em nhắn tin: "Có em ở đây rồi, thầy đừng lo", bởi vậy tôi yên tâm hơn khi bước vào phòng mổ. Do em thu xếp nên tôi được những người mổ giỏi nhất của Khoa mổ cho. Bởi vậy ca mổ đã thành công.
Khi về phòng chăm sóc thì được các y tá, điều dưỡng đều là những người rất có tâm, lại biết tôi là thầy giáo của đồng nghiệp mình nên tôi được chăm sóc chu đáo. Chính vì vậy mà tôi sớm bình phục.
Còn một đồng nghiệp của tôi có một lần bị vi phạm giao thông nhưng người giải quyết vụ vi phạm này là chính học sinh cũ của cô. Cô trò gặp nhau dù trong hoàn cảnh không mấy vui vẻ. Mọi việc của cô đã được giải quyết rất nhanh chóng một phần vì lỗi vi phạm đơn giản, một phần khác là do chính học sinh cũ của cô là người xử lý vụ việc.
Các học sinh có thể không hình thức màu mè, không đến thăm chúng ta vào những dịp lễ, Tết nhưng trong tim các em luôn có hình bóng thầy cô nếu như thầy cô chúng ta là những người mà các em tôn trọng. Dù là người nặng tình cảm như vậy nhưng tôi luôn ủng hộ thị trường quyết định tất cả. Muốn y tế, giáo dục... phát triển thì hãy để thị trường quyết định.
Trong quyển sách đình đám trong mấy năm gần đây, "Sapiens, Lược sử về loài người" có nói đến công thức của sự thịnh vượng và phát triển của loài người, công thức này có thể được diễn giải như sau: Sự phát triển, thịnh vượng = cơ chế thị trường + khoa học kỹ thuật. Công thức này được đúc rút từ tiến trình phát triển của loài người chứ không đơn thuần được đúc kết trong ngày một, ngày hai. Từ công thức này có thể thấy rằng để một lĩnh vực nào đó phát triển thì hãy để thị trường quyết định, giáo dục cũng vậy.
Tôi coi nghề dạy học của mình tương tự như việc cung cấp một dịch vụ cho người có nhu cầu, muốn đạt hiệu quả cao thì dịch vụ phải hoàn hảo. Với tôi thi nên bỏ tư tưởng giáo viên thì không thể làm giàu.
Chúng tôi là những nhà giáo thì chúng tôi cũng có mưu cầu cuộc sống như mọi người, để có cuộc sống tốt thì mỗi người giáo viên chúng tôi đều cố gắng làm tốt công việc của mình, sự cố gắng đó cần phải được ghi nhận, thu nhập là một chỉ dấu quan trọng.
Khi nói đến thu nhập của người giáo viên, đến chuyện làm giáo dục cũng có thể giàu thì nhiều người có thể không thích vì quan niệm giáo vên thì nên thanh bạch, làm giáo dục thì không giàu được đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, tuy nhiên như trên tô đã nói do khoa học kỹ thuật phát triển và do cơ chế thị trường tác động nên nhiều thứ đã, đang thay đổi.
Chúng ta chấp nhận mọi thứ có thể thay đổi thì chúng ta có thể linh hoạt trong suy nghĩ Chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế rằng: Thị trường giáo dục tòan cầu là thị trường nghìn tỷ USD. những nước như Mỹ, Pháp hay Singapore thu được rất nhiều ngoại tệ nhờ giáo dục, lương ngoại tệ hàng năm của Việt Nam chảy ra nước ngoài chi cho giáo dục rất nhiều, những nước phát triển thu hút được nhiều du học sinh ngoại quốc là bởi nền giáo dục của họ luôn phát triển, nền giáo dục của chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ để có thể đạt được tầm như vậy.
Chấp nhận kinh tế thị trường trong lĩnh vực giáo dục để giáo dục phát triển. Khi đó chuyện "mồng 3 Tết thày", rồi mối quan hệ thày - trò giờ đây đã có rất nhiều thay đổi. Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắng để chấp nhận và thích ứng với những thay đổi đó.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.