"Tôi học 6 năm bác sĩ, 3 năm thạc sĩ, 5 năm tiến sĩ, bệnh viện trả lương 20 triệu đồng một tháng. Đi dạy nhà trường trả 6,8 triệu một tháng, trực 10 buổi được 1,1 triệu một tháng. Nhiều khi không có tiền cho con học thêm tiếng Anh nữa.
Nhưng tôi vẫn may mắn hơn anh em ở huyện xã là được học liên tục, được đi đây đó. Ở nhiều bệnh viện huyện, nhiều tháng không có lương, khổ cực chẳng đã.
Xét bình thường một sinh viên y học xong trong thời gian 6 năm, phải đi học thêm 18 tháng mới có chứng chỉ hành nghề, vậy thì việc học của một người làm bác sĩ phải là 7,5 năm. Nếu so với một người cử nhân chuyên ngành khác thì họ sắp lên lương bậc 3.
Nếu bây giờ tăng lương, tăng tiền trực thì lấy ở đâu? Tăng viện phí lên rồi nếu ở những bệnh viện tuyến huyện thông tuyến, bệnh nhân đi lên trên hết. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa không nhiều do ở huyện, cơ sở vật chất yếu kém vì được đầu tư ít, trình độ bác sĩ có hạn thì cũng không thể có đủ số lượng bệnh nhân, rồi không đủ tiền mà chi trả, rất áp lực đối với bệnh viện tuyến huyện".
Độc giả cambathucmd5 chia sẻ như trên, nói về thời gian học tập, làm việc dài của mình, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập chưa tương xứng. Bình luận này được viết sau bài Công bằng cho bác sĩ.
Đãi ngộ cho bác sĩ và những người làm ngành y nhận được nhiều quan tâm, thảo luận của độc giả VnExpress.
Áp lực nghề nghiệp càng lớn hơn khi bạn bè cùng trang lứa đã ổn định công việc, trong khi các bác sĩ vẫn đang phải học và tích lũy kinh nghiệm. Độc giả thaiduongduy2013 tâm sự:
"Khi bạn bè cùng trang lứa ở cái tuổi 35 thì họ đã có được những vị trí tương đối trong công việc ở các ngành nghề khác nhau rồi. Còn tôi khi đó mới hoàn thành xong chương trình học ĐH, sau ĐH (khoảng 12 năm) đối với nghề y và đúc rút được ít nhiều kinh nghiệm từ thực tế của một bác sĩ, cùng một vị trí nho nhỏ ở một bệnh viện tuyến trung ương.
Với những người làm ngành y thì đòi hỏi đầu tiên đó là sự yêu nghề và tâm huyết với nghề. Trị bệnh cứu người luôn yêu cầu người bác sĩ phải tận tâm, tận lực và phải luôn đặt mình vào cái đau, cái lo lắng, cái buồn phiền và cả hoàn cảnh của người bệnh.
Niềm vui lên đến tột đỉnh khi bệnh nhân khỏi bệnh trở về với gia đình và người thân, nhưng nỗi buồn cũng luôn giằng xé mỗi khi bất lực đành nhìn người bệnh ra đi khi mà các bác sĩ đã làm hết khả năng để cứu chữa cho người bệnh.
Nghề chọn người, chứ người khó chọn được nghề lắm".
Không chỉ những người làm bác sĩ mà cả phụ huynh của các sinh viên ngành y cũng chịu nhiều áp lực. Độc giả tuanvietproacc đang nuôi con học y khoa chia sẻ:
"Là người cha đã từng nuôi con, và đang nuôi con là sinh viên trường Y, tôi cho rằng cần phải có nhiều cơ chế hơn nữa cho bác sĩ, sinh viên ngành Y. Để trở thành sinh viên ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP HCM đòi hỏi các cháu phải là những học sinh xuất sắc hàng đầu của trường cấp 3 nơi các cháu theo học.
Khi theo học ngành Y khoa, thực sự là chi phí rất tốn kém. Đơn cử như nuôi một sinh viên ngành Y khoa, năm học 2024-2025, mức học phí là 82.500.000 đồng một năm (mỗi năm tiếp theo tăng thêm 10%) + 13.000.000 đồng ký túc xá, tiếng Anh 24.000.000 đồng một năm, các cháu đi trực bệnh viện mỗi tháng 300.000 đồng (tiền gửi xe), 1.000.000 đồng (tiền xăng), chưa bao gồm tiền ăn, nước uống và các chi phí sinh hoạt khác.
Chi tiêu tiết kiệm mỗi năm cũng hết 250.000.000 - 300.000.000 đồng một năm. Riêng về việc để học được ngành y khoa, đòi hỏi các cháu phải học hành rất vất vả: sáng đi học ở bệnh viện, chiều học giảng đường, tối đi trực bệnh viện.
Thời gian học để có thể làm được việc phải học tới 9,5 năm (bao gồm cả 6 tháng chuyển tiếp giữa hai kỳ thi đầu ra bác sĩ y khoa và bác sĩ nội trú). Học hành vất vả và tốn kém là vậy, mà lương bổng, phụ cấp, chính sách thu hút thật sự rất thấp, không tương xứng với công sức và mức độ đầu tư".
Độc giả nickname buso co đặt vấn đề:
"Những ngành chăm sóc sức khỏe phần hồn và phần xác cho con người như giáo dục và y tế thuộc dạng phúc lợi xã hội (social benefit) và phải được bao cấp hoàn toàn.
Người làm nghề như bác sĩ và giáo viên cũng phải được bao cấp, cũng như xã hội phải chi trả miễn phí cho việc học phổ thông và bảo hiểm y tế cộng đồng.
Trong xã hội Á Đông như Việt Nam, bố mẹ nào cũng sẵn lòng đầu tư, không tiếc tiền bạc cho con cái học hành, kể cả học chính thức hay phi chính thức, công hay tư. Và cho sức khỏe cũng vậy, khi mặt bằng cuộc sống nâng lên thì người ta sẵn sàng đi khám sức khỏe định kỳ, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm du lịch,... những nhà có điều kiện còn đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Nên người ta sẽ không ngại ngần mà đóng thuế cao hơn một ít khi biết rõ phần thuế đó sẽ quay lại phục vụ cuộc sống của mình và gia đình một cách tốt hơn. Miễn là các quỹ an sinh xã hội đó phải được quản lý một cách minh bạch và hợp lý.
Chứ cứ đánh đồng trường học và bệnh viện giống như các doanh nghiệp thị trường khác, ném ra ngoài để tự kinh doanh, thì do bản chất doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, người ta sẽ dùng mọi phương thức kinh doanh không bị cấm để thu lợi nhuận về.
Khi đó, học sinh và người bệnh, rộng ra là cả xã hội, sẽ lĩnh đủ. Sự đồng cảm, yêu thương, tận tình dạy dỗ, chăm sóc con người sẽ phải lùi bước khi đối diện với sự lạnh lùng, tàn nhẫn của thị trường.
Dĩ nhiên, chất lượng đội ngũ làm nghề cũng phải đảm bảo tương xứng.
Rồi bây giờ làm sao có đủ tiền để thực hiện đây?".
Hữu Nghị tổng hợp