Quan sát cách tiêu xài, cụ thể là ăn uống của nhiều bạn trẻ mà tôi quen, đã khiến tôi thắc mắc về khả năng tiết kiệm và tích lũy tài sản của họ.
Tôi thấy những người đến văn phòng mỗi ngày với một ly cà phê giá 20 nghìn, ổ bánh mì cũng chừng ấy tiền, tổng cộng 40 nghìn đồng cho bữa sáng. Vài tiếng sau, đã đến giờ ăn trưa họ đi ra ngoài và ăn những bữa trưa 45 nghìn - 50 nghìn đồng.
Buổi chiều cũng tiêu tốn chừng ấy tiền cho ăn uống, đó là chưa kể những cuộc hẹn cà phê tán gẫu với bạn bè hay ăn uống trong những quán ăn nước ngoài, trung tâm thương mại.
Chưa kể, tôi thấy cách nạp thức ăn vào người có phần bất hợp lý. Dân văn phòng vốn hay ngồi một chỗ, ít vận động hơn các nghề nghiệp khác, nhưng mới ăn lúc 8-9h, dạ dày còn chưa kịp tiêu hóa hết thức ăn, đã phải tiếp nhận lượng lớn thức ăn vào lúc 11h30-12h. Đó là tôi chưa nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước đây tôi cũng từng xả láng như thế, nhưng khi đối diện với áp lực tài chính, mọi chi tiêu đều được ghi nhận để cân đối, tôi mới phát hiện ra khoản tiền chi cho ăn uống không nhỏ. Bởi chúng ta có tâm lý luôn muốn bồi bổ, không muốn ngược đãi bản thân.
Liệu các bạn có thống kê xem mỗi tháng, mỗi năm đã tiêu bao nhiêu tiền cho những buổi ăn uống không cần thiết đó không? Nhiều bạn than thở đối diện với áp lực tài chính, lương không đủ tiêu, nói gì đến những chuyện lớn lao như tích lũy mua nhà...
Nhưng hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước chân, nếu kiểm kê chi phí sinh hoạt hàng ngày, các bạn sẽ giật mình như tôi lúc trước. Ăn sáng, ăn trưa... ở ngoài thật sự rất tốn kém nếu điều đó lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Duy Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.