"Trước đây nghe từ 'homestay' tôi nghĩ nó là nhà của người dân địa phương có sẵn, giá lưu trú sẽ rẻ hơn khách sạn... nhưng không, giá thuê tương đương khách sạn 3 sao, 4 sao, tiện nghi chắc chắn không bằng nên gia đình tôi chưa bao giờ ở homestay. Nay đọc bài báo mới biết rõ do người ở tỉnh thành khác tới thuê đất kinh doanh, vậy là chữ home này không đúng nên giá thuê cao và thất bại cũng dễ hiểu".
Bạn đọc có nickname Bigcat bình luận như trên, sau bài viết Nhà đầu tư homestay, farmstay Đà Lạt tháo chạy. Theo đó, để thoát cảnh gồng lỗ, nhiều nhà đầu tư rao sang nhượng homestay, farmstay bằng một phần tám vốn ban đầu mà vẫn ế.
Cụ thể, theo thông tin từ bài viết trước, năm ngoái, Tuấn Hoàng bỏ công việc nhiếp ảnh ở TP HCM để lên Đà Lạt đầu tư homestay khi 26 tuổi. Khu homestay được đầu tư hơn 800 triệu đồng nhằm cải tạo hai căn villa và thiết kế dãy nhà, lều camping. Hợp đồng thuê nhà trong 5 năm, mỗi tháng đóng 30 triệu đồng. Hoàng phải đóng trước tiền cọc 6 tháng và đóng tiền nhà ba tháng, khiến tổng số tiền đầu tư đội lên hơn tỷ đồng.
Sau gần hai năm kinh doanh, Hoàng thừa nhận "chưa thấy được đồng lãi nào" vì chi phí vận hành và tiền thuê nhà cao đã bào mòn lợi nhuận. Sau ba tháng hè tưởng khả quan nhưng tỷ lệ lấp đầy liên tục dưới 50%, kể cả vào cuối tuần, anh quyết định sang nhượng vì không thể gồng thêm lỗ.
Độc giả Long Thành nhìn nhận: "Không nhìn đâu ra lãi cả. Chi phí thuê địa điểm đắt, địa điểm tốt thì không chen vào được, chi phí đầu tư ban đầu cho tiểu cảnh sân vườn lớn và ngày càng đắt đỏ, nhân công làm vườn lương cao, chi phí bảo trì lớn, phân bón thuốc trừ sâu... Chi phí cho quảng cáo liên kết, khuyến mãi, duy trì online awareness, nhân lực vận hành, bôi trơn...
Sống ở Đà Lạt là một đặc ân với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành.. nhưng chỉ dành cho dân địa phương và du khách thôi, còn đối với người kinh doanh thì Đà Lạt là một khoản đầu tư lỗ ngay từ khi nghĩ về nó".
Tiền thuê nhà cao, cộng thêm chi phí thiết kế, quản lý, quảng cáo đã bào mòn hết lợi nhuận của nhà đầu tư thiếu tính toán. Trong khi đó, giá thành cho thuê homestay không rẻ, có nơi còn mắc tương đương với ở khách sạn 3-4 sao. Đây cũng là lý do một bài viết trước đánh giá 'homestay ở Đà Lạt đang mắc bệnh ảo giá'. Độc giả Tèo: "Tôi cũng không hiểu sao nhiều người chọn homestay thay vì khách sạn để ở khi du lịch, trong khi giá tương đương mà dịch vụ cơ bản. Homestay toàn vật dụng tái chế decor bắt mắt tí thu 750k mỗi người, mắc hơn giá nhà nghỉ, tương đương với khách sạn tầm trung, tầm một triệu đã có phòng nhỏ khách sạn 3 sao".
Độc giả Bruce Nguyen chia sẻ: "Đợt tết 2023 gia đình tôi đi Đà Lạt chơi với bạn, vợ tôi chọn ở homestay thuê giá một triệu đồng một ngày. Tôi nghĩ mức giá này vào dịp Tết chắc cũng hợp lý, đến lúc nhận phòng thì thất vọng, phòng nhỏ thiếu tiện nghi, ẩm thấp, cộng với ồn ào.
Trong khi đó gia đình đứa bạn lên sau chọn khách sạn đối diện giá 1,2 triệu đồng một ngày mà phòng rất đẹp, sạch sẽ, tiện nghi. Lúc trả phòng tôi trả tiền và góp ý thẳng với chủ homestay. Tôi nghĩ với giá trên mây cũng homestay thì tồn tại không được lâu".
Một số độc giả chỉ ra nguyên nhân thất bại cốt lõi của mô hình đầu tư kinh doanh homestay, farmstay là do "biến tướng":
"Homestay Đà Lạt mọc lên như nấm trong khi ý nghĩa ban đầu của homestay là nhà ai có dư phòng thì cho thuê bớt một phòng ở cùng với chủ nhà để vừa có thêm thu nhập, vừa được trải nghiệm 'như là nhà'. Còn bây giờ biến tướng thành mô hình cho thuê kinh doanh thì lời mới lạ. Chưa kể chi phí phải thuê mặt bằng - giá thành quá cao thì khách du lịch ở khách sạn đúng nghĩa cho nó sướng", độc giả Thinh Ho nói.
Đồng quan điểm trên, độc giả nickname huysvg tiếp lời: "Sai lầm khi lựa chọn cách thức đầu tư. Ngay cái tên gọi đã nói lên hình thức kinh doanh rồi. Home là nhà. Hình thức này chỉ phù hợp cho các gia đình có sẵn cơ sở vật chất, hoặc đầu tư thêm chút ít và tự vận hành kinh doanh gọi là kiếm thêm thu nhập. Còn đây ở Việt Nam mình cứ đầu tư theo trào lưu, nó lan khắp cả nước chứ không riêng gì Đà Lạt đâu. Ai đầu tư thời gian đầu và sang nhượng nhanh, gọi là đánh nhanh rút gọn thì còn có lãi. Những người làm sau đều lỗ cả".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.