"Chồng tôi có nhiều phần giống bạn của tác giả: giỏi chuyên môn, thắng thắn, 'bơi ngược dòng', cầu toàn quá mức. Tất cả nhân viên qua tay ảnh đào tạo hiện tại đều từ trưởng phòng kỹ thuật trở lên và thật sự là chẳng thấy ai quay trở lại biết ơn người thầy "quá nghiêm khắc" đó.
Kể cả Tổng Giám đốc Tập đoàn nơi ảnh làm Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam dù thừa nhận ảnh đã dẫn dắt ngoạn mục công ty qua biết bao lần khủng hoảng vẫn sống sót và bù lỗ được cho cả Tập đoàn toàn cầu trong lúc khó khăn nhất.
Thế nhưng cũng chẳng bao giờ chịu tăng lương thưởng ảnh cho xứng đáng.
Tính ra tôi khác cô vợ, tôi biết cách 'xiết' lương thưởng của chồng và đầu tư trước khi ảnh chợt nghĩ ra 'giúp' ai đó, tui biết 'đóng vai ác' để từ chối các khoản vay tiền 'vô tội vạ' do ảnh làm mối, tôi dám 'đặt cược' tiền vào những đề xuất kinh doanh đầu tư của ảnh và nhanh tay 'hốt trọn'.
Đến tận giờ ảnh mới nhận ra được lợi ích những gì tôi làm núp dưới danh nghĩa 'bà vợ tham lam' đó. Thật sự sống với những ông chồng 'lý tưởng, trên mây' giống như bạn của bác thì vợ phải là người thực tế gấp nhiều lần để bù lại.
Có lần chồng tôi hơi buồn, kể cho tôi nghe chuyện một 'nhân viên' của ảnh nhảy qua công ty khác và lên được chức vụ ngang ngửa ảnh. Sau đó đi tranh giành khách hàng và nói với khách hàng là anh đã 'thật ngu xuẩn khi móc hết gan ruột, tâm huyết ra đào tạo, truyền kiến thức cho người khác vì đó là điều tối kỵ, người như vậy hợp tác lâu dài rất bất lợi vì họ không biết cách làm lợi cho mình nên không thể mang đến lợi ích cửa sau cho khách hàng.
Tôi biết ảnh đau nhưng thấy vậy cũng tốt, chỉ mong ảnh biết cách bảo vệ mình hơn thôi".
Độc giả nickname Plutino chia sẻ kinh nghiệm như trên, cách bản thân dung hòa lợi ích cho một người chồng sống và làm việc theo nguyên tắc. Bình luận này được viết sau bài Bạn tôi sống chật vật dù rất giỏi chuyên môn.
*Quan điểm của bạn thế nào khi chồng sống và làm việc có phần thiệt thòi, vì lợi ích chung nhưng ảnh hưởng tài chính gia đình?
Hữu Nghị tổng hợp