Tôi là cô gái đang phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, là chủ một cơ sở kinh doanh nho nhỏ. Nói qua một chút về quá trình trưởng thành của tôi. Năm lên 9 tuổi, ba tôi mất. Đó dường như là nỗi mất mát lớn nhất của gia đình tôi, mà nhiều năm về sau mỗi khi nhắc đến "ba" mẹ tôi vẫn rơm rớm, mắt đỏ hoe. Cả nhà ba mẹ con tôi nhớ ba vô cùng.
Thời điểm ba mất, mẹ mới ngoài 30 tuổi, chị gái tôi không may mắc bệnh não từ nhỏ nên gần như không thể làm việc và sinh hoạt như người bình thường. Mẹ tôi một thân một mình thức khuya dậy sớm, làm đủ thứ công việc vất vả nuôi hai chị em tôi khôn lớn trưởng thành.
Vậy nên, từ nhỏ tôi luôn ý thức việc phải cố gắng học thật giỏi, không làm mẹ phiền lòng, lớn lên có thể là chỗ dựa cho mẹ và chị gái.
Năm 25 tuổi, tôi lập gia đình, tự kinh doanh và đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Đó cũng là lúc tôi nhận ra lưng mẹ đã đau, chân đã mỏi và làn da sạm đi nhiều, tôi thầm nhủ sẽ phải cố gắng hơn nữa để mẹ có thể sớm được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên con cháu.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi tôi phát hiện mình bị ung thư đại tràng - giai đoạn ba. Nếu ai đó hỏi cảm xúc của tôi lúc đó thế nào... Tôi có sốc không? Có chứ. Tôi có buồn không? Nếu nói "không" thì tôi đang nói dối. Tôi có nghĩ về gia đình, những người thân xung quanh tôi không? Và câu trả lời chắc chắn là có.
Nhưng có lẽ bởi tôi đã trải qua quá nhiều khó khăn trong cuộc sống từ ngày còn nhỏ tới khi trưởng thành, nên khi sóng gió ập đến, những cảm xúc tiêu cực ban đầu cũng không dễ dàng xô ngã ý chí và tinh thần vươn lên của tôi.
Để bây giờ khi đang viết ra những dòng này, tôi cũng thầm cảm ơn cuộc đời với những khó khăn đã rèn luyện tôi, nhờ nó mà tôi thấy mình thật mạnh mẽ, dám đối mặt với những gì tồi tệ nhất xảy đến.
Trong quá trình trải qua những đợt điều trị gian nan, từ lấy máu vài lần trong tháng, siêu âm, chụp chiếu cho tới cuộc phẫu thuật cắt bỏ ruột hay những toa truyền hóa chất kèm theo rất nhiều tác dụng phụ, buồn nôn, đau nhức.
Nhưng chỉ cần nhắm mắt lại, nghĩ về người mẹ cả đời vất vả nuôi tôi lớn khôn, nghĩ về cậu con trai kháu khỉnh mới vừa tròn một tuổi và người chồng luôn ở bên động viên, thì khi mở mắt ra, mọi đau đớn như đều xua tan hết.
Mỗi bệnh nhân ung thư là những câu chuyện về cuộc đời khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những "vết sẹo" và niềm khao khát mãnh liệt là được "sống" tiếp. Một vết sẹo có nghĩa là sự đau đớn đã qua đi và vết thương đã lành lại. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã vượt qua được nỗi đau và đang tiến về phía trước.
Tôi vẫn đang sống, tôi sẽ vượt qua tất cả. Trong những ngày đi điều trị ở viện tôi bắt đầu học cách đón nhận mọi thứ một cách lạc quan nhất. Tôi tìm hiểu về ung thư, gặp gỡ rất nhiều bệnh nhân khác và tôi nhận ra có những người luôn lạc quan, tích cực, cũng có cả những ánh mắt lo sợ, tuyệt vọng xen lẫn với những tiếng thở dài.
Lúc ấy tôi ước rằng, nền y học sẽ có nhiều bước chuyển tiến bộ trong điều trị ung thư. Số lượng những người không may mắc phải căn bệnh này sẽ giảm đi. Và mong muốn tất cả các bệnh nhân ung thư trên thế giới này, hãy lạc quan lên, hãy tìm cho mình những niềm vui, động lực trong cuộc chiến chống chọi với bệnh tật.
Cuộc đời mỗi chúng ta giống như một bản nhạc, có nốt trầm nốt bổng. Cũng như những khó khăn thử thách và những hạnh phúc ngọt ngào. Chúng ta thường vui mừng khi điều tốt lành đến và buồn bã, lo sợ khi biến cố xảy ra. Và cho dù bạn có phải trải qua những giai đoạn tồi tệ, tới mức bạn cảm thấy cả thế giới như sụp đổ thì bạn vẫn phải thức dậy vào sáng hôm sau.
Bạn vẫn phải sống và đối mặt với nó. Sau tất cả, thì mức độ khó khăn của một vấn đề nằm ở bản thân bạn đón nhận và thái độ của bạn với vấn đề ấy như thế nào.
Tôi chia sẻ với mọi người, để khi nhắc về "ung thư", nó chỉ là một căn bệnh, chúng ta cần lạc quan, mạnh mẽ đối mặt với nó.
Luyen Bui
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.