Người này ngày nào cũng gọi video hỏi xem hôm nay tôi thấy trong người thế nào, có đau họng, ho hay sốt gì không, thân nhiệt cao hay thấp, rồi còn bắt lia camera quanh phòng xem tôi ở một mình hay cùng ai.
Đó là nhân viên của MOM - Bộ Nhân lực Singapore, gọi video qua Whatsapp hàng ngày để theo dõi sức khoẻ và giám sát việc tuân thủ cách ly.
Chuyến bay đầu tiên của tôi sau mùa dịch là từ Hà Nội sang Singapore. Cả chuyến bay chỉ khoảng 50 người. Trước khi bay, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA) yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ; giấy chứng nhận tiêm đủ hai mũi vaccine thuộc danh sách của WHO tối thiểu 14 ngày.
Tôi sang Sing vào ngày cuối cùng của tháng 10. Khi đó, trạng thái dịch của Việt Nam nằm trong nhóm III theo xếp loại của ICA. Do đó, tôi không bị cách ly tập trung bắt buộc mà được cách ly tại nhà 10 ngày gọi là SHN (Stay home notice). Tôi vẫn phải thuê một phòng nằm trong danh sách khách sạn được phép SHN của nước này.
Xuống sân bay Changi, nhân viên hướng dẫn tôi đến nơi làm tờ khai, đo thân nhiệt, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vaccine cùng xét nghiệm PCR âm tính ở Việt Nam. Họ đưa chúng tôi tới quầy nhập cảnh.
Nhập cảnh xong, nhân viên hải quan dán miếng sticker màu cam lên áo tôi để đánh dấu thuộc diện SHN. Nhìn miếng dán, các nhân viên sân bay hướng dẫn tôi lấy hành lý, đưa ra luồng taxi riêng để về khách sạn. Theo quy định, người SHN không được đi bằng phương tiện công cộng mà chỉ được đi bằng taxi nằm trong danh sách được phép chở khách SHN của chính phủ. Trước khi lên xe, tôi phải báo cho tài xế rằng mình thuộc diện SHN.
Sau khi làm thủ tục check-in khách sạn, tôi được đưa về phòng mình ở tầng một. Trước mỗi cửa phòng đều đặt chiếc ghế nhỏ, nhân viên khách sạn giải thích rằng trong thời gian cách ly tôi không được ra khỏi phòng, cửa phòng luôn phải đóng chặt, tôi có thể đặt đồ ăn của khách sạn hoặc mua trực tuyến, thanh toán trực tuyến, lễ tân sẽ để đồ trên chiếc ghế đó.
Tất cả phòng dùng cho cách ly đều ở tầng một để tránh việc di chuyển bằng thang máy. Phòng có cửa sổ và cửa bên bằng kính nhìn ra đường, nơi có nhiều người và xe cộ đi lại, nhưng đều bị khoá. Tôi lại không mang theo laptop thành thử suốt 10 ngày chỉ quanh quẩn từ giường ra bàn làm việc, vào phòng vệ sinh, mở cửa lấy đồ ăn trên ghế. Mọi giao tiếp với thế giới thông qua chiếc Iphone.
Một ngày trong phòng cách ly dài như hai ngày. Tôi chỉ mong đến tối để buôn chuyện với vợ con. Tôi cũng phải "tiếp" nhân viên của MOM gọi video hàng ngày. Vì thị thực lao động của chuyên gia nước ngoài do Bộ Nhân lực Singapore cấp nên bộ này có trách nhiệm quản lý việc tuân thủ các quy định cách ly của những người được cấp thị thực. Mỗi cuộc gọi diễn ra vài phút. Nhân viên này cũng gọi điện cho khách sạn hàng ngày để đảm bảo tôi tuân thủ quy định.
Sang ngày thứ 9, tôi được hướng dẫn đi xét nghiệm PCR. Tự đặt taxi một hãng được cấp phép phục vụ người cách ly, lên xe, tôi phải báo cho tài xế biết mình thuộc diện cách ly tại nhà. Ở nơi xét nghiệm, người khá đông, đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hai mét. Tôi được nhân viên hướng dẫn chi tiết, xét nghiệm xong, tôi xếp hàng ra điểm đón taxi về khách sạn, cố bước thật chậm để tranh thủ hít thở khí trời.
Hôm sau, tôi nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính qua tin nhắn, được ra khỏi khách sạn để chuyển về căn hộ đã thuê. Để kỷ niệm ngày hoà nhập xã hội, tôi gửi hành lý ở lễ tân, chạy lại quán Starbuck cạnh đó gọi một cốc trà cho đỡ thèm.
Bước vào cửa hàng, như tất cả mọi nơi ở Singapore, tôi dùng ứng dụng TraceTogether để quét mã QR. Cô nhân viên hỏi tôi uống tại quán hay mang đi. Tất nhiên, tôi chọn ngồi uống tại quán để hít hà và nhìn mọi người qua lại. Cô hỏi tiêm đủ hai mũi vaccine chưa, tôi dõng dạc trả lời đã tiêm đủ hơn 24 ngày, đã hoàn thành cách ly tại nhà, vừa xét nghiệm PCR âm tính. Tôi còn cẩn thận đưa giấy chứng nhận tiêm vaccine ở Việt Nam. Nhưng hỡi ôi, tôi bị lịch sự từ chối phục vụ tại quán vì trên TraceTogether, tôi vẫn thể hiện chưa tiêm vaccine. Tôi đành lủi thủi mang cốc trà về. Hàng quán Singapore đã mở nhưng chỉ phục vụ tại chỗ nhóm tối đa hai người và đều phải được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Theo hướng dẫn, tôi tới bệnh viện Raffles để làm xét nghiệm kháng thể Covid. Phí tư vấn và xét nghiệm hết 90 SGD. Buổi tối, họ gửi lại kết quả xét nghiệm qua email, thông báo "bạn đã có kháng thể Covid". Một ngày sau, ứng dụng TraceTogether của tôi hiển thị trạng thái "đã tiêm đủ vaccine". Kể từ đó, tôi mới chính thức được la cà quán xá xứ này.
Ngày tôi được tung tăng dạo phố, đồng nghiệp khác cũng vừa sang Sing. Lúc này Việt Nam đã chuyển từ nhóm III sang nhóm II nên anh chỉ phải cách ly tại nhà bảy ngày, các thủ tục khác cũng đơn giản hơn. Chỉ hơn 10 ngày, dựa trên tiến triển kiểm soát dịch, Việt Nam chuyển từ nhóm IV lên nhóm III rồi nhóm II trong danh mục của Singapore. Nhờ thế mà người từ Việt Nam sang Sing cũng dễ hơn.
Nhưng cùng thời gian này, một đồng nghiệp tôi ở Hà Nội bị đưa đi cách ly tập trung 14 ngày ở Pháp Vân vì lý do là F1. Tôi được biết nhiều trường hợp đi cùng thang máy với F0 cũng bị đưa đi cách ly tập trung dù trước đó chính phủ đã cho phép tự cách ly ở nhà nếu đủ điều kiện.
Việc đi lại giữa các tỉnh tại Việt Nam có lẽ còn khó hơn đi từ Việt Nam sang Singapore. Cái khó nhất không phải là quãng đường mà là thông tin không đầy đủ và rõ ràng, việc áp dụng chính sách mỗi tỉnh mỗi khác. Ngay trong cùng thành phố Hà Nội, nơi gia đình tôi sống, quy định không giống nhau giữa các quận huyện khiến có lúc cả nhà tôi cứ hỏi nhau rối tinh lên.
Chuyến sang Singapore của tôi liệt kê các bước thì dài như vậy, song những người thực thi rất trật tự, đơn giản, nhanh và đặc biệt rất rõ ràng. Mọi thông tin tôi nhận được đều qua chiếc điện thoại, nhất quán theo hướng dẫn từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng nhất với hướng dẫn của Bộ Nhân lực và Bộ Y Tế Singapore. Các hướng dẫn đều rất chi tiết, dễ hiểu và cập nhật liên tục.
Bạn thấy rất nhiều tổ chức và cá nhân liên quan đến tôi trong thời gian cách ly. Từ nhân viên hãng hàng không, các nhân viên sân bay, tài xế taxi, lễ tân khách sạn, nhân viên quán cafe, nhân viên bệnh viện, nhân viên ở khu xét nghiệm, nhân viên của MOM và nhiều bên khác. Tôi rất ấn tượng vì trong quá trình tương tác với tôi, tất cả họ phối hợp trơn tru, chuyên nghiệp theo hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế.
Cả họ và tôi và tất cả những người tôi biết đều tuân thủ đúng các quy định vì nếu sai sẽ bị phạt rất nặng. Người sang Singapore làm việc có thể thì bị thu hồi hoặc rút ngắn giấy phép ở lại Singapore, tước thị thực lao động. Khách sạn vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách được phục vụ, nặng thì bị thu hồi giấy phép. Các nhà hàng, quán ăn vi phạm có thể bị tước giấy phép mà để làm lại rất khó khăn. Người vi phạm, tùy hành vi, có thể bị phạt lên tới 10.000 SGD (hơn 160 triệu đồng) hoặc ngồi tù tới sáu tháng, hoặc cả hai.
Việc khai thông tin sai cũng bị phạt rất nghiêm. Tất cả người nhập cảnh Singapore được nhắc nhở kỹ lưỡng để đảm bảo rằng họ nộp các tờ khai đầy đủ và chính xác. Bất kỳ ai khai báo sai hoặc gây hiểu lầm sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố theo Đạo luật về các bệnh truyền nhiễm. Hình phạt cho việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm là phạt tiền lên đến 10.000 SGD và, hoặc phạt tù đến sáu tháng. Đối với các vi phạm tiếp theo, hình phạt lên tới 20.000 SGD và, hoặc 12 tháng tù.
Không chỉ vì số tiền phạt, chúng tôi tuân thủ vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng. Trên hết, chúng tôi tuân thủ được vì mỗi cá nhân đều biết chính xác phải làm gì.
Ở Hà Nội, tôi chứng kiến một chủ cửa hàng loay hoay nhiều cách khi chính quyền ra quy định về cấp giấy đi đường. Cô ấy xem thời sự nhưng không hiểu áp dụng cho cửa hàng thực phẩm của mình thế nào nên hỏi tôi. Tôi tìm trên mạng cũng không thực sự hiểu bèn gọi điện hỏi công an khu vực. Anh không trả lời được liền hướng dẫn tôi hỏi y tế phường. Rất nhiều người đã được hỏi, nhưng không ai biết chính xác cửa hàng phải làm gì để nhân viên được quay lại làm việc.
Hiện còn quan điểm khác nhau về việc cách ly F0, F1 tại nhà hay tập trung và nhiều vấn đề khác. Mỗi nhóm đều có lý lẽ của mình về giải pháp phù hợp nhất. Nhưng chắc không ai phản đối tôi khi cho rằng, giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam là công khai chi tiết nhất có thể và nhất quán mọi thông tin, quy định, thủ tục phòng chống dịch đến từng cá nhân.
Nếu tất cả mọi công dân cùng hiểu đúng, cùng thực hiện giống nhau với hỗ trợ chu đáo của bộ phận chấp pháp thì công cuộc chống dịch sẽ bớt nhọc nhằn hơn rất nhiều.
Lê Văn Thành