Đọc bài viết "Đầu tư 16 triệu tiền học nhưng không mua laptop cho con", tôi có quan điểm khác với tác giả Cherry Bui. Ở gia đình tôi, bố mẹ sử dụng điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi, trong khi con cái được đầu tư hẳn smartphone và laptop đắt tiền.
Vợ chồng tôi bắt đầu sử dụng điện thoại di động từ năm 1999. Lúc đó, mua chiếc điện thoại hết ba triệu đồng, cái sim 150 nghìn đồng, nạp cái thẻ mệnh giá 300 nghìn đồng, thời hạn tài khoản chỉ dùng được 45 ngày gọi nghe. Sau 45 ngày, máy chỉ được nhận được cuộc gọi. Nếu tài khoản sử dụng không hết sau thời gian đó tự động bằng "0".
Thời điểm đó, rất ít người dùng điện thoại di động. Khi đi làm, mang điện thoại vào công ty, tôi phải trình báo để phòng tổng vụ dán tem để tiện mang ra vào hàng ngày. Vì lúc đó, chỉ có người nước ngoài mới dùng điện thoại di động. Đến thời kỳ smartphone thịnh hành, do công việc ở công ty cũng chẳng cần nên tôi vẫn dùng máy "cục gạch" đến khi nghỉ việc. Năm 2015, tôi mới mua chiếc smartphone giá chưa tới năm triệu.
Tuy nhiên, ở nhà, khi con vào tiểu học, tôi mua hẳn một bộ máy tính bàn để cho con dùng. Khi con học THCS, tôi cũng ngỏ ý mua cho con chiếc điện thoại di động mới, nhưng con tôi chỉ xin dùng lại cái điện thoại mà tôi đang sử dụng. Khi con vào lớp 10, tôi phải nói mãi để con thay chiếc điện thoại cũ.
Chiếc máy tính để bàn cũng đã cũ nên tôi mua cái khác. Tôi cho con chọn laptop theo nhu cầu các đang cần sử dụng, con nói chọn máy giá 30 triệu đồng vì máy này phù hợp với nhu cầu học ngành kỹ thuật cơ khí ở bậc Đại học sau này. Ngoài ra, tôi còn nhờ một người bạn ráp cho chiếc máy tính bàn mới, cấu hình mạnh để cho các con giải trí. Tôi không hề cấm cản con đi chơi game bên ngoài, nhưng các con chẳng bao giờ đi.
>> Tích góp tài sản cho con hay để con tự bươn chải?
Nói về đầu tư cho con học. Các con tôi chỉ học trường công lập từ tiểu học đến THPT, mỗi năm đóng các khoảng học phí chỉ hai triệu đồng. Mỗi ngày, con chỉ học một buổi ở trường, buổi còn lại ở nhà. Các con học thêm duy nhất hai môn Toán, Lý, học phí 300 nghìn/ môn. Ngoài ra, con học tiếng Anh ở trung tâm ba giờ/ tuần, số tiền chi phí cho đến khi con đạt được chứng chỉ IELTS là 60 triệu đồng.
Trong khi đó, bạn tôi phải chi tới 10 triệu/ tháng tiền học trường nội trú trên thành phố khi con vào lớp 10. Sau ba năm THPT, chi phí ăn học hết tới hơn 300 triệu. Khi chúng tốt nghiệp THPT, muốn đi du học, nhưng tiếng Anh không đạt, nên gia đình bạn tôi phải cho qua Philippines học gần hai năm với chi phí khá khủng.
Theo tôi, để đầu tư giáo dục cho con có hiệu quả, ít tốn kém thời gian và tiền bạc, các bố mẹ phải hiểu con cái mình cần cái gì để có những định hướng phù hợp nhất.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.