"Tôi là người đi xe máy ở tỉnh, từng vi phạm lỗi lấn làn ôtô ở thành phố, bị bắt trực tiếp và bị phạt thu giấy tờ. Đến ngày hẹn, tôi phải đến phòng xử phạt trật tự giao thông của quận.
Nhưng phòng này không nằm ở trung tâm của quận mà nằm sát chân núi, gọi là rìa của quận. Tôi lên đó, người ta đưa tôi một tờ giấy phạt và bảo đi đóng phạt vào Kho bạc.
Tôi không nhớ rõ là nộp cho kho bạc hay nộp qua ngân hàng để chuyển khoản vào kho bạc, nhưng cả hai nơi này đều nằm ở trung tâm quận. Vậy là tôi quay lại trung tâm, đóng tiền xong lại mang giấy trở về nộp cho phòng và nhận lại giấy tờ.
Tôi không đi nhiều lần như tác giả, nhưng nhiêu đó đủ để tôi 'chừa, cố gắng không vi phạm giao thông cho tới bây giờ".
Độc giả nickname nhatquyetcons kể như trên, về trải nghiệm "nhớ đời" khi đi đóng phạt lỗi xe máy và bị phạt vì lỗi lấn làn ôtô. Bình luận này được viết sau bài Hành trình 800 km đi tỉnh bốn lần đóng phạt nguội.
Bài viết trước, tác giả kể về quá trình đi lại nhiều lần để đóng tiền phạt nguội. Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress.
Độc giả xuahien đang sống ở Mỹ chia sẻ: "Tôi du lịch ở Houston, Texas, tôi chạy trên cao tốc có thu phí. Tôi sống cách Houston 500 km, nên tôi không cần đăng ký trả phí khi chạy trên cao tốc. Hai tuần sau, tôi nhận được thư thông báo tôi phạm lỗi chưa trả phí khi chạy trên cao tốc.
Trong thư cho tôi biết vào website nào để trả tiền phí và tiền phạt, hạn chót là ngày giờ cụ thể. Khi nhận được thư, tôi chỉ tốn 5 phút để giải quyết vấn đề.
Nếu tôi phải trải qua hành trình đóng phạt giống như tác giả, thì tôi phải mất 6 ngày làm việc, tương đương thu nhập của tôi giảm 1.700 USD, cũng có nghĩa chính phủ Mỹ thất thoát tiền thuế thu nhập của tôi. Nếu có 1.000 trường hợp, hoặc 100.000 trường hợp, thì thuế thu nhập sẽ giảm 1.000 lần hoặc 100.000 lần.
Ngoài ra, nghỉ làm nhiều ngày thì nguy cơ mất việc càng cao. Khi mất việc thì chính phủ hoặc công ty bảo hiểm phải trả bảo hiểm thất nghiệp cho tôi".
Độc giả nickname yellowspirit2k chia sẻ góc nhìn khác: "Ở Vương quốc Anh, nếu phạm lỗi như vượt đèn đỏ, quá tốc độ, không thắt dây an toàn... bạn sẽ nhận được phiếu nộp phạt gửi theo đường bưu điện về địa chỉ nhà bạn đã đăng ký. Sau đó, theo hướng dẫn, bạn phải nộp phạt online.
Nếu bạn không nộp thì sẽ nhận được giấy mời ra tòa (lúc này phiền toái hơn rất nhiều). Cách làm này giúp hạn chế, người dân cũng đỡ phải chạy tới chạy lui nhiều lần từ tỉnh này qua tỉnh khác".
Một số độc giả đề xuất giải pháp từ công nghệ và dữ liệu công dân:
"Theo tôi, hiện nay cơ quan đã hoàn thành các việc sau đây:
- SIM điện thoại chính chủ.
- Đăng ký xe chính chủ.
Ngoài ra, tất cả công dân đa phần đã đăng ký căn cước công dân (CCCD), thì khi xảy ra tình huống phạt nguội, hệ thống có thể tra cứu chủ xe là ai và chỉ cần gửi tin nhắn về số điện thoại chủ xe hoặc thông báo lên CCCD điện tử là giải quyết được mọi phiền hà. Khi đó thì:
- Chủ xe biết được ngay là xe này đã vi phạm (mang tính nhắc nhở, răn đe tái phạm).
- Kịp thời đóng phạt", độc giả baokhanh979 viết.
Độc giả ngocphuong cho rằng: "Tất nhiên, phạt nặng là đúng. Tuy nhiên, có rất nhiều bất cập cần cơ quan chức năng xem xét:
1. Thủ tục đóng phạt cần đơn giản lại. Có thể như sau:
- Bước 1: Thông báo đến chủ xe thông qua app.
- Bước 2: Chủ xe xác minh mình tự lái hay người khác lái ngay trên app. Cần tạo thói quen khi đổi tài thì cần có bằng chứng bằng hình ảnh, có thời gian kèm tọa độ. Nếu người khác lái thì điền thông tin người lái.
- Bước 3: Nếu xác minh người lái là chủ xe hoặc người thứ hai đã đồng ý xác nhận qua app, thì hệ thống ra mã QR để nộp phạt. Còn nếu trong 3 ngày không xác minh được người lái, hoặc không đồng ý với lệnh phạt, thì buộc lên cơ quan chức năng giải trình".
Hữu Nghị tổng hợp