Tôi dọn về ở tại một khu dân cư ven Sài Gòn cũng được ba năm. Từ ngày dọn về đây tôi có thói quen chạy bộ mỗi buổi chiều, sau giờ tan làm về nhà. Vỉa hè chỗ tôi ở rộng rãi, thoáng mát, đường cũng khá thẳng tắp nên có thể nói phong trào thể dục thể thao chỗ tôi ở khá phát triển.
Thanh niên, trung niên thì chạy bộ, người già thì đi bộ chậm hoặc cùng nhau tập múa quạt, múa gậy. Chuyện chẳng có gì để nói khi một người hàng xóm mới dọn đến ở có nuôi hai con chó, trong đó có một giống chó khá dữ dằn và hung hăng. Lúc đầu, tôi chẳng biết nhà đó có nuôi chó nên cứ thong thả chạy ngang và bị một phen xanh mặt, thót tim khi con chó từ trong nhà lao ra đường rượt theo tôi.
Lần đó, tôi chắc mẩm rằng mình sẽ bị chó cắn nhưng thật may, có người đến dọa nạt một lúc nên con chó lủi về nhà. Khi hoàn hồn lại, người tôi bủn rủn không chạy nổi nữa. Từ đó về sau tôi không dám chạy ngang nhà đó nữa mà đi bộ từ từ, khi xa khoảng 100 mét tôi mới dám khởi động lại. Nhưng cũng có mấy lần, con chó ấy vẫn lao ra sủa inh ỏi.
Điều đáng nói hơn là buổi chiều tối, chủ nhà đó dắt chó đi dạo mà không rọ mõm, trong khi khu dân cư có nhiều trẻ em đạp xe, chơi và cả các cụ già nữa. Tôi thấy không ổn nên đành từ bỏ cung đường chạy bộ quen thuộc đã ba năm nay vì sự an toàn của bản thân. Tôi chọn đến phòng gym để các bài tập đơn giản và để dùng máy chạy bộ.
Chỉ một tuần qua, chó nuôi pitpul dữ dằn tấn công một cháu bé ở Hà Nội. Hôm qua thì có tin nữ công nhân bị có tấn công tử vong ở Hà Tĩnh.
Việc nuôi chó mèo trong khu dân cư ở Việt Nam đang diễn ra một cách không kiểm soát, tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sống cộng đồng. Sự thoải mái của chúng trong việc kêu gào và phóng uế mọi nơi, mọi lúc không phân biệt giờ giấc đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng.
Người dân có thói quen nuôi chó. Người mộng mơ thì nuôi chó nhỏ để làm thú cưng, người muốn giữ nhà thì nuôi chó dữ. Dù là giống nào thì sự nguy hiểm tiềm tàng cho người khác cũng có cả.
Chưa kể tình trạng chó thả rong, phóng uế mọi nơi, mất vệ sinh. Nhiều người nuôi phớt lờ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người khác như rọ mõm, vì có nhắc, họ sẽ nói: Chó nhà tôi hiền lắm, chẳng cắn ai bao giờ.
Song, những hậu quả đáng lo ngại đã xảy ra. Sự chệch lệch trong thái độ này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng về ý thức và trách nhiệm của người nuôi chó.
Mặc dù có luật về nuôi chó, song việc thực thi luật lại gặp nhiều khó khăn, tạo ra sự lỏng lẻo trong việc quản lý thực tế. Nên những người hay lo như tôi, đành phải áp dụng biện pháp "tránh voi chẳng xấu mặt nào" để lo cho sự an toàn của bản thân mình trước đã.
Nhưng về mặt quản lý chung xã hội, thì sao?
Tuấn Nguyên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.