19h30 ngày 1/3/1932, bảo mẫu của gia đình phi công Charles Lindbergh đặt bé Charles Jr, 20 tháng tuổi, vào trong cũi. Khoảng hai tiếng sau, Lindbergh, 30 tuổi, đang ở trong thư viện ngay bên dưới phòng của con thì nghe thấy một tiếng động lớn mà anh tưởng là tiếng kệ bếp bị vỡ.
Đến 22h, bảo mẫu phát hiện em bé mất tích và báo với Lindbergh. Lindbergh ngay lập tức vào phòng con và thấy thư đòi tiền chuộc trên bậu cửa sổ. Những kẻ bắt cóc đòi 50.000 USD và nói rằng 2-4 ngày sau sẽ thông báo địa điểm chuyển tiền. Lindbergh còn phát hiện một chiếc thang gỗ ở dưới cửa sổ và chăn của em bé.
Tin tức về vụ bắt cóc nhanh chóng được lan truyền. Charles Lindbergh là biểu tượng hàng không của Mỹ sau khi một mình thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên năm 1927 ở tuổi 25. Anh bay thẳng từ New York đến Paris, vượt hành trình 5.800 km trong 33,5 giờ với chiếc máy bay một động cơ Spirit of St. Louis. Người Mỹ ca ngợi Lindbergh là "anh hùng" hay "siêu nhân đời thực". Vì vậy, vụ bắt cóc con trai Lindbergh trở thành tâm điểm chú ý và được truyền thông gọi là "tội ác thế kỷ".
Hàng trăm người đã đổ xô đến bên ngoài nhà của Lindbergh, vô tình phá hủy mọi dấu chân của kẻ bắt cóc. Nhiều sĩ quan quân đội cũng ngỏ lời hỗ trợ điều tra. Ngay sáng hôm sau vụ bắt cóc, Tổng thống Herbert Hoover đã được thông báo về tội ác. Vào thời điểm đó, bắt cóc được coi là tội ác cấp bang và không có căn cứ để xác định đây là tội ác liên bang. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William D. Mitchell tuyên bố toàn bộ Bộ Tư pháp sẽ hợp tác với chính quyền New Jersey để điều tra.
Ngày 6/3/1932, một lá thư đòi tiền chuộc mới được gửi từ Brooklyn đến nhà Lindbergh, tăng tiền chuộc lên 70.000 USD. Lá thư thứ ba tiếp tục được gửi từ Brooklyn, nói rằng John Condon sẽ là trung gian liên lạc giữa Lindbergh với kẻ bắt cóc.
John Condon là một thầy giáo nghỉ hưu ở Bronx quan tâm đến vụ bắt cóc nên đã viết thư cho một tờ báo địa phương, treo thưởng 1.000 USD nếu kẻ bắt cóc trả lại em bé cho một linh mục Công giáo. Hành động tưởng như không nghiêm túc đó của Condon mang lại kết quả bất ngờ: ông nhận được thư từ kẻ bắt cóc, yêu cầu làm trung gian giữa họ với Lindbergh.
Condon sau đó gặp kẻ bắt cóc tự xưng là John trong đêm tối tại Nghĩa trang Woodlawn ở Bronx. Condon kể rằng ông không thể nhìn được mặt John nhưng giọng nói cho thấy John là người nước ngoài. John tự nhận mình thuộc một băng đảng Scandinavia và em bé đang bị giữ trên một chiếc thuyền ngoài khơi. Khi Condon bày tỏ nghi ngờ, John hứa sẽ trả lại đồ ngủ của em bé.
Ngày 16/3, Condon nhận bộ quần áo và Lindbergh xác nhận đó là đồ của con mình. Ngày 2/4, Condon gặp John và trao khoản tiền chuộc 50.000 USD. John nói rằng em bé đang được hai phụ nữ chăm sóc nhưng không cung cấp thông tin gì thêm. Gia đình Lindbergh kiên nhẫn chờ đợi nhưng không nhận được con.
Số tiền chuộc được trao bao gồm một số chứng chỉ vàng (giấy chứng nhận quyền sở hữu vàng được Mỹ sử dụng làm tiền tệ năm 1863 - 1933). Các tờ tiền không được đánh dấu nhưng số seri được ghi lại nhằm giúp giới chức theo dõi nếu chúng được lưu thông.
Ngày 12/5, một tài xế xe tải phát hiện thi thể bé Charles trong lùm cây cách nhà Lindbergh khoảng 4,5 km. Hộp sọ Charles bị tổn thương nghiêm trọng và thi thể bị phân hủy, cho thấy em bé bị giết bằng một cú đánh vào đầu không lâu sau vụ bắt cóc.
Cảnh sát lần theo manh mối từ những tờ tiền đã trao cho kẻ bắt cóc. Tháng 9/1934, họ xác định được nghi phạm là người Đức nhập cư Richard Hauptmann. Khi Hauptmann bị bắt tại New York, ông ta đang cầm một chứng chỉ vàng 20 USD và hơn 14.000 USD tiền chuộc được tìm thấy trong nhà để xe của ông ta. Hauptmann bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ bắt cóc, khai rằng số tiền do người bạn Isidor Fisch để lại. Fisch đã qua đời vào tháng 3/1934 sau khi trở về Đức.
Khi cảnh sát lục soát nhà của Hauptmann, họ phát hiện bản vẽ thiết kế và loại gỗ tương tự như chiếc thang gỗ được tìm thấy tại hiện trường. Số điện thoại và địa chỉ của John Condon được viết lên một bức tường trong nhà. Hauptmann bị kết án tử hình và thi hành án vào tháng 4/1936. Truyền thông gọi Hauptmann là "người bị căm ghét nhất thế giới".
Mặc dù vụ án đã ngã ngũ, vẫn có nhiều người đưa ra các thuyết âm mưu. Họ cho rằng Hauptmann chỉ là "con dê tế thân", Lindbergh biết ai là kẻ bắt cóc thực sự nhưng có thể ông chính là đồng phạm hoặc quá sợ hãi nên phải che giấu.
Luật sư Gregory Ahlgren nêu giả thuyết Lindbergh vô tình giết con mình trong một trò chơi khăm. Theo ông, Lindbergh đã trèo lên thang và đưa con trai ra ngoài cửa sổ, nhưng đánh rơi đứa bé khiến Charles qua đời. Lindbergh giấu xác con trong bụi cây và sau đó che giấu tội ác bằng cách đổ lỗi cho Hauptmann. Lindbergh, gia đình anh và cảnh sát New Jersey đều bác bỏ lập luận này.
Dù sự thật có thế nào, vụ bắt cóc bé Charles đã trở thành một trong những vụ án khiến công chúng Mỹ bàn tán nhiều nhất. Vụ án thúc đẩy quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Bắt cóc Liên bang, thường được gọi là "luật Lindbergh", quy định việc đưa nạn nhân bắt cóc qua các bang là tội ác liên bang. Nhà báo H. L. Mencken gọi vụ bắt cóc là "câu chuyện giật gân nhất kể từ ngày Chúa phục sinh".
Phương Vũ (Theo Time/ATI)