"Thời phổ thông tôi là học sinh giỏi, học trường chuyên. Lên đại học tôi học trường danh tiếng. Ra đi làm, tôi làm ở công ty lớn. Nhưng qua tuổi 40 tôi không giàu, chỉ ở mức "trung lưu thấp".
Bởi vì khi đó tôi học để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, khi cầm tấm bằng đại học tôi cảm thấy 'như trút được gánh nặng', nhưng đâu biết rằng mình đã bỏ lỡ rất nhiều kỹ năng sống.
Trong khi đó các em họ tôi ngoài 30 tuổi đã giàu, dù thời phổ thông học không giỏi, đi làm ban đầu cũng không được vào doanh nghiệp tốt, khởi nghiệp tự kinh doanh thua lỗ và khi đó phải vay tiền tôi.
Một số chú, bác họ hàng nhà tôi thế hệ 7X chỉ học hết cấp ba, vươn lên từ nghèo thành người giàu có, họ không cho con cái họ (thế hệ 9x, 10 x) chạy đua học giỏi. Thay vào đó họ cho con họ giao lưu với nhiều người trong xã hội, học bình thường để không rơi vào tâm thế tự mãn.
Vậy nên tôi nhận ra một điều những cứ cố bắt con cái học giỏi và nghĩ rằng như thế là tốt cho tương lai thì thực ra họ đang làm vậy để thỏa mãn cái 'tâm lý thua thiệt' của chính họ chứ không biết con đường thành công đúng đắn nào cho con cái".
Độc giả Quang Tan chia sẻ câu chuyện của bản thân và đặt vấn đề: Thành tích học tập không phải là tấm vé đảm bảo cho sự thành đạt, vì thế các phụ huynh đừng quá lo lắng để rồi ép con học thật nhiều, hay bắt con phải thành công chỉ để thỏa mãn tâm lý bản thân.
Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Lòng tham của phụ huynh. Bài viết xoay quanh câu chuyện của một người cha khi đồng hành cùng con gái nhỏ trong việc học, từ những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng đến việc bất ngờ khi con không vượt qua kỳ thi đầu vào lớp 1 của một trường danh tiếng.
Tác giả nhận ra mình đã dạy con theo cách truyền thống, trong khi xu hướng hiện nay chú trọng toán tư duy và rèn luyện dạng bài thi thực tế. Từ đó, anh trăn trở về lòng tham của phụ huynh trong việc muốn con giỏi hơn, dù bản thân lại lo ngại áp lực học thêm.
Hữu Nghị tổng hợp