Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Ước tính trên đầu mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc. Trong đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 đến 100 sợi tóc bị rụng.
Rụng tóc bệnh lý là khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Nguyên nhân khác nhau ở nam và nữ. Người bệnh cảm thấy tự ti về mái tóc cũng như ngoại hình của mình, xa lánh đám đông, ngại làm đẹp.
Dấu hiệu cảnh báo rụng tóc bệnh lý:
+ Trường hợp tóc rụng trên 100 sợi một ngày; rụng lâu hơn một năm; rụng nhiều cả khi ướt lẫn khô.
+ Tóc thưa thớt, có thể thấy rõ da đầu (ở nữ) hoặc tóc rụng từng mảng, gây hói nhẹ (ở nam).
+ Tóc con mọc lên yếu, mềm, mảnh, xoăn hoặc không có tóc con mọc lên.
Nguyên nhân:
+ Tóc rụng do di truyền, nội tiết, hormone. Một số rối loạn nội tiết như bệnh tuyến giáp, rối loạn hormone nam giới, tăng nồng độ hormone nam giới (DHT) có thể gây tóc rụng nhiều ở nam giới.
+ Rụng tóc nhiều còn tiềm ẩn nguy cơ mắc một số bệnh khác như mất cân bằng nội tiết tố, lupus, buồng trứng đa nang ở nữ...
+ Những người sinh ra trong gia đình có người thân bị chứng rụng tóc, hói đầu, với nam nguy cơ này đến 99% và 65% ở nữ.
+ Tóc rụng do stress, chế độ ăn không cân đối, thiếu chất dinh dưỡng, sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp.
Khi bị rụng tóc nhiều, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa tóc. Tùy thuộc tình trạng, bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, sử dụng laser liều thấp, hoặc cấy tóc. Trong đó, cấy tóc thường áp dụng cho người rụng nhiều hoặc hói lâu năm, gồm cấy sinh học và tự thân.
Cách hạn chế rụng tóc
+ Bổ sung chế độ ăn uống lành mạnh với các chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc như protein, vitamin (vitamin A, B, C, D, E), khoáng chất (sắt, kẽm, đồng) và axit béo omega-3. Ăn đủ các loại thực phẩm như thịt, cá, hạt, trái cây và rau xanh để cung cấp dinh dưỡng cho tóc và cơ thể.
+ Sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp, giúp tăng cường sức khỏe tóc. Tránh sử dụng các sản phẩm hóa chất gây hại. Hạn chế tiếp xúc với nhiệt từ các thiết bị như máy sấy tóc, máy uốn, máy duỗi. Tránh kéo, căng hoặc chải tóc quá mức.
+ Tránh stress, tập thể dục thường xuyên để giải tỏa căng thẳng.
+ Bảo vệ tóc khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và giữ tóc luôn sạch. Nên cắt tỉa tóc định kỳ giúp loại bỏ những phần tóc yếu, chết và giữ cho tóc trông gọn gàng hơn. Trong mùa hè, bạn hãy cân nhắc điều chỉnh kiểu và độ dày của tóc để giảm tình trạng gãy, rụng.
Minh An