Bộ Y tế đánh giá từ đầu tháng 9 đến tháng 12, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể. 43 tỉnh, thành phố có trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 30 tỉnh đạt trên 95%.
Đến hết ngày 16/12, Việt Nam tiêm được hơn 135 triệu liều, đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt. 77% dân số trưởng thành cả nước được tiêm mũi 1, 60% dân số được tiêm mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei).
Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều.
Để chấm dứt đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu ít nhất 40% dân số tất cả quốc gia được tiêm đủ liều vaccine vào cuối năm 2021, 70% dân số vào giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Hiện, Bộ Y tế phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ điều trị F0 ở 11 tỉnh, thành phố phía Nam - nơi có số ca nặng và tử vong cao, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch. Tại An Giang, 31 chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ tỉnh điều trị 1.852 F0 tại các tầng, trong đó số bệnh nhân tầng 3 chiếm 8,7%. Bệnh viện Phổi Trung ương giúp tỉnh Đồng Nai theo hình thức tại chỗ và từ xa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.
Trước diễn biến số ca cộng đồng và tử vong có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương, Bộ đề nghị các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; thực hiện "chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" như khẩn trương tiêm vaccine cho trường hợp chưa tiêm đủ hai mũi, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, cả nước ghi nhận trên 1,4 triệu ca nhiễm, hơn một triệu người khỏi bệnh (72,8%), 28.857 ca tử vong.